1. Tình hình hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023
Triển khai quản lý 43 đề tài, dự án, đề xuất chính sách mới, cấp thiết: làng thông minh, giáo dục hạnh phúc, nâng cao chất lượng công chức, an ninh, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số… 100% đề tài đưa vào ứng dụng sau nghiệm thu, tiêu biểu: quy hoạch Logistics, điều trị suy hô hấp, giải pháp mới an ninh công nhân, … Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi 4.0 thông qua các chương trình năng suất chất lượng, phát triển tài sản trí tuệ, hướng dẫn DN trích lập quỹ KHCN để cải thiện dây chuyền sản xuất; hiệp y 03 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng Ứng dụng công nghệ 4.0… Phê duyệt Đề án BIIC giai đoạn 2023-2025 và sửa đổi, bổ sung Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025. Tổ chức hơn 19 sự kiện kết nối, hội thảo lớn về: sản xuất tinh gọn; sở hữu trí tuệ; An ninh Kinh tế; triển lãm chào mừng Ngày KHCN; trách nhiệm xã hội trong bối cảnh EVFTA; Diễn đàn ĐMST Sản Xuất năm 2023; giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ; tiếp Đoàn Viện Hàn lâm 04 nước… Triển khai hợp tác giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và tỉnh Bình Dương về Đề án mô hình phát triển của tỉnh đã tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo khoa học. Thành phố Thông minh tiếp tục được triển khai toàn diện: Ban hành Chương trình hành động; thành lập Trung tâm ĐMST Việt Nam-Singapore; nghiên cứu khai thác tối ưu dữ liệu IOC; Thành phố Thông minh - Vùng ĐMST Bình Dương được ICF vinh danh Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu năm 2023.
2. Định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh
- Khoa học xã hội và nhân văn
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nội dung trong các Nghị quyết của Đảng về ổn định xã hội, công tác giáo dục, văn hóa, dân tộc, an ninh - quốc phòng.
Nghiên cứu các vấn đề về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách về phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, trọng tâm về lao động, tiền lương, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, bảo hiểm xã hội…
Nghiên cứu các vấn đề về người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương: vấn đề nhà ở cho công nhân, vấn đề nhà trẻ; vấn đề an toàn thực phẩm; các vấn đề trong lĩnh vực y tế, giáo dục; xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động …
- Giáo dục - đào tạo
Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của KHCN trong dạy học và quản lý giáo dục. Triển khai nhân rộng việc ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm.
- Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Nghiên cứu và phát triển các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dân số và phát triển, chuyển giao các mô hình nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; tổng kết đánh giá mô hình bệnh, tật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
- Nông nghiệp
Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các loại giống mới chất lượng cao thích hợp với nông nghiệp đô thị; xây dựng các mô hình, quy trình sản xuất nông nghiệp đô thị, bền vững, an toàn với môi trường.
Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng một số loại cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP và gắn kết với thị trường tiêu thụ. Phát triển cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến cây có múi.
Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong việc cải thiện giống cây trồng có hiệu quả về kinh tế. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào quy trình sản xuất giống, sản xuất thức ăn, chăm sóc.
Xây dựng và chuyển giao các quy trình mới, tiến bộ trong lĩnh vực trồng rừng, sản xuất thâm canh chất lượng cao
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực. Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống giàu dinh dưỡng, chịu hạn, chịu úng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến.
Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vật tự đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ liên quan đến quản lý sản xuất nông nghiệp, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất trong đời sống xã hội phục vụ cho việc xây dựng làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển lâm nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, chế biến lâm sản, tạo điều kiện thu hút đối với các doanh nghiệp.
Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng chuyển giao các công nghệ mới, tiến tiến trong chăn nuôi.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển thủy sản, xây dựng mô hình mới về nuôi trồng phục vụ phát triển thủy sản. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
- Tài nguyên, bảo vệ môi trường
Nghiên cứu ảnh hưởng của phát triển công nghiệp, phát triển đô thị đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, sức khỏe của nhân dân trong điều kiện hiện nay và dự đoán trong tương lai.
Nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới phục vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, tiên tiến, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, xử lý chất thải nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
- Công nghệ thông tin và truyền thông
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm từng bước xây dựng một chính quyền điện tử theo định hướng chung của tỉnh. Nghiên cứu đề xuất một khung kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông mang tính định hướng mở cho đô thị thông minh làm nền tảng cho sự phát triển các giải pháp về đô thị thông minh.
Nghiên cứu các nguy cơ từ an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho các hệ thống thông tin và các hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển trong các cơ sở hạ tầng, dữ liệu trọng yếu của tỉnh.
Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu phát triển chuyển đổi số đối với một số lĩnh vực ưu tiên của tỉnh: y tế, giáo dục - đào tạo, sản xuất công nghiệp và logistics, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, quy hoạch và quản lý đô thị, nông nghiệp, văn hóa và du lịch, năng lượng.
- Giao thông vận tải
Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ách tắc giao thông. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, kiểm soát tải trọng. Nghiên cứu các giải pháp tổ chức, quản lý giao thông vận tải hợp lý, khoa học, từng bước hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quy hoạch mạng lưới giao thông.
Nghiên cứu hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý giao thông, giao thông thông minh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Dịch vụ, kinh tế
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về chính sách liên quan đến mô hình tổ chức điều hành khi xây dựng thành phố thông minh, cơ chế chính sách, các giải pháp về mô hình thu hút tài chính, truyền thông và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nghiên cứu giải pháp về khoa học và công nghệ để xây dựng và phát triển hướng đến một thành phố thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm chi phí tiêu thụ tài nguyên, cải thiện sự giao tiếp và tương tác giữa người dân và chính quyền.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
- An ninh trật tự, quốc phòng
Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn xã hội ở các khu vực trọng yếu trên địa bàn tỉnh như khu, cụm công nghiệp, địa bàn giáp ranh. Các vấn đề về tội phạm có tổ chức. Giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.
Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân nhập cư, các vấn đề về an ninh trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, các khu nhà trọ, các hành động tụ tập, biểu tình, lãn công gây khó khăn cho doanh nghiệp, đình đốn sản xuất.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy., … Xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ nâng cao công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
3. Tình hình và định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Những định hướng, cơ chế, chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương đã được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện từ đó các hoạt động khoa học công nghệ từng bước có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; hình thành hành lang pháp lý vững chắc, mang hiệu quả trong công tác quản lý, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo được niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào bộ máy chính quyền của địa phương. Điều này đem lại những lợi thế thu hút riêng của Bình Dương, hình thành được định hướng phát triển chung của các ngành, địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động từng bước dần được đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Bình Dương đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định quan trọng (03 Nghị quyết của HĐND, 01 Quyết định của UBND) để đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đây là nét đột phá, kiến tạo mới với các quy trình, cơ chế, định mức rõ ràng để tạo mọi điều kiện nhằm hỗ trợ các vườn ươm doanh nghiệp - tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhóm, cá nhân đang khởi nghiệp.
Với những kiến tạo mới, Bình Dương mong muốn nâng tầm vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Nhà nước tạo sân chơi, hình thành và kích thích các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển
Trong giai đọan 2012-2022, Bình Dương luôn xác định rõ khoa học công nghệ là những cầu nối, tạo sự gắn kết giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện trường để cùng giải quyết các nhiệm vụ chính trị.
Bình Dương thường xuyên phối hợp tham gia các hoạt động hỗ trợ mang tính chuyên môn; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị phổ biến, tuyên truyền đến các sở, ngành, địa phương; phối hợp các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho địa phương; xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp với các đơn vị trong tỉnh. Kết quả cho thấy, Bình Dương đã triển khai nhiều nhiệm vụ KHCN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc theo đặt hàng của tỉnh, của địa phương. Các đề tài thường mang tính ứng dụng cao, cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết bức xúc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý. Bình Dương luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, tham gia các chương trình KHCN cấp quốc gia, tham gia các chợ thiết bị và công nghệ, diễn đàn cung cầu công nghệ; tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/3/2018, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đề án "Thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương" đã chính thức được đi vào triển khai thực hiện (Quyết định số 708/QĐ-UBND). Trung tâm thực chất là một không gian mở, là mái nhà chung - nơi hội tụ nguồn lực từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh và mạng lưới liên kết, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Trung tâm là không gian mở phục vụ tất cả cá nhân, cộng đồng, người dân và doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Trung tâm hiện có rất nhiều không gian chức năng như không gian làm việc chung (Co-working space), các phòng họp, phòng làm việc nhóm, phòng thư giãn, phòng họp trực tuyến, không gian giáo dục STEM/STEAM, không gian đào tạo, phòng thí nghiệm chế tạo FabLab…
Ngoài ra, Bình Dương hình thành của các tổ chức trung gian của thị trường KHCN, các tổ chức này đã và đang hoạt động tích cực, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh như:
+ Vườn ươm doanh nghiệp tại Trường Đại học Quốc tế miền Đông;
+ Câu lạc bộ khởi nghiệp tại Trường Đại học Thủ Dầu Một thành lập;
+ Tổ chức hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại Trường Đại học Bình Dương;
+ Hướng dẫn Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi (cơ sở 2) thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
+ 07 phòng thí nghiệm, thực nghiệm dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương: Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore); Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học (Trường Đại học Thủ Dầu Một); Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đông và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương); Phòng thí nghiệm chế tạo Becamex; Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại Đại học Quốc tế Miền Đông; Viện nghiên cứu và phát triển Becamex; Phòng nghiên cứu và phát triển chung của VNTT và Wustech. Trong đó, 02 Fablab đã tham gia vào mạng lưới Fablab của thế giới gồm: Fablab tại Trung tâm sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh và Fablab tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông.
Bình Dương phát triển KHCN & Khởi nghiệp ĐMST luôn gắn liền quan điểm "lấy doanh nghiệp làm trung tâm"
Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cùng đồng hành triển khai trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng công nghiệp, giao thông vận tải, logistics…, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển và nâng tầm mối quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến và tiếp cận các cơ hội đầu tư mới; phát huy tối đa cơ hội hợp tác với các mạng lưới, tổ chức quốc tế của các thành phố thông minh, khoa học công nghệ trên thế giới. Bình Dương đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, vươn lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Bình Dương đẩy mạnh triển khai công tác sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, luôn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh. Các công nghệ mới, hoạt động chuyển giao công nghệ từng bước được đến gần với doanh nghiệp và người dân.
Trong thời gian qua, Bình Dương thường xuyên mở rộng hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2017 – 2022, đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh liên kết hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, lĩnh vực ưu tiên; gắn hợp tác về khoa học và công nghệ với hợp tác về kinh tế. Trong năm 2022, Bình Dương phối hợp giữa các ngành trong tỉnh và ngoài tỉnh (Ngành KHCN, Nông nghiệp PTNT, UBND huyện Phú Giáo, Trường ĐH KHXH-NV) cùng tổ chức hội thảo: "Khoa học công và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương" nhằm tuyên truyền Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5.
Ngoài ra, Tỉnh đã tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hoạt động Techmart vùng, khu vực do các tỉnh, thành phổ tổ chức. Đẩy mạnh triển khai Trung tâm tư vấn thông tin khoa học và công nghệ trên mạng; Tổ chức hoạt động và vận hành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị ảo với định hướng trở thành một trong những Sàn thương mại điện tử có uy tín trong tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, tiến tới kết nối để chia sẻ thông tin với các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trong khu vực và trong nước. Đây chính là những hoạt động kết nối vô cùng quan trọng giúp Bình Dương nói chung và doanh nghiệp nói riêng có được những cơ hội quan trọng để kết nối mạng lưới, đồng thời tạo nên được thương hiệu riêng của tỉnh trong cả nước.
Bình Dương phát triển mô hình 3 nhà - Mô hình xuyên suốt trong định hướng phát triển của tỉnh
Bình Dương bắt đầu triển khai đề án Thành phố thông minh từ năm 2016 với nền tảng là Mô hình hợp tác "Ba nhà", gồm Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà trường/viện nghiên cứu. Trong đó, đặt người dân và tri thức làm trọng tâm, nhà nước giữ vai trò dẫn đắt để KHCN phát triển đồng bộ, các bên cùng nhau hợp tác trên cơ sở tự nguyện, cùng nhau thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, cơ hội, thách thức, nguồn lực để xây dựng các định hướng phát triển chung cho địa phương và cam kết cùng nhau thực hiện.
Bình Dương xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích các nguồn lực của xã hội cùng đầu tư cho các mục tiêu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên. Các cơ chế, chính sách được xác định nguồn ngân sách nhà nước là vốn mồi, khuyến khích các nguồn vốn xã hội cùng đầu tư. Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế trong xã hội cùng tham gia.
Bình Dương luôn xem nhân tố con người là yếu tố hàng đầu, chi phối mọi yếu tố khác. Bình Dương đang ra sức xây dựng nền kinh tế thông minh. Nền kinh tế thông minh Bình Dương giải quyết tốt các vấn đề về hợp tác, đầu tư, sản xuất, tinh thần khởi nghiệp, tính sáng tạo, tính linh hoạt thích ứng với biến đổi thị trường, khả năng hội nhập quốc tế, khả năng chuyển đổi số… theo đúng tinh thần nghị quyết 52 của Bộ chính trị. Tỉnh đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó, tập trung đẩy nhanh phát triển chính quyền điện tử, và chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh… ứng dụng các công nghệ cốt lõi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain… Với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, những dịch chuyển để hướng tới phát triển thành phố thông minh là giải pháp tất yếu cho những vấn đề đô thị. Đây chính là những định hướng quan trọng mà Bình Dương luôn xác định trong suốt quá trình phát triển của mình.
Thúc đẩy các hoạt động liên kết và hợp tác trong nước và quốc tế
Trong thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các ngành tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế: Hội thảo khoa học Bình Dương ¼ thế kỷ; Sự kiện vinh danh ICF top 7, Horasis - Ấn Độ, Hội thảo khoa học về nông nghiệp công nghệ cao, Hội thảo khoa học về phục hồi sau Covid… đặc biệt là Chuỗi sự kiện Techfest Vietnam 2022 mang tầm quốc tế, trên 30 hội thảo, hàng trăm gian hàng triển lãm, hơn 7.000 lượt khách tham dự, tại Chương trình Dấu ấn có sự tham dự và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, … Những năm qua, ngành KHCN luôn tích cực, chủ động trong kết nối hợp tác các bên, mở ra nhiều chương trình hoạt động KHCN mới: Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp tác chính thức với nhiều đơn vị, như: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh và ĐH Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh; với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Tỉnh Đoàn, Công ty Cao su Dầu tiếng, Trung tâm thương mại thế giới Thành phố Mới Bình Dương …. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ được giao cơ quan đầu mối kết nối hợp tác mang tầm chiến lược giữa Tỉnh ủy và Hội đồng Lý luận Trung ương, UBND tỉnh và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Với những nỗ lực trong năm của ngành đã góp phần đem lại cho tỉnh đạt một số giải thưởng mang tầm quốc tế, quốc gia: Bình Dương là 01 trong 06 tỉnh/thành phố đạt TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2022 (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp các Bộ, ngành Trung ương vinh danh), được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu năm 2023.