Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban ngành; Giáo sư Seki Akinori - Chủ tịch AAEE; TS.Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng lãnh đạo các trường, viện, các hiệp hội, doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 75 tham luận khoa học tập trung thảo luận sâu các vấn đề: Quản lý, quản trị giáo dục đại học; giáo dục đại học hướng đến phát triển năng lực người học; vị trí và vai trò của trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội địa phương từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Giáo sư Seki Akinori - Chủ tịch AAEE chia sẻ tại Hội thảo
Trình bày tham luận "Vị trí, tầm quan trọng của đại học địa phương trong việc thực hiện sứ mệnh đáp ứng nhu cầu học tập và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một", TS.Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, tỉnh Bình Dương nói riêng, Đông Nam bộ nói chung thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm, nơi có nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội cao nhất cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ.
Với 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên phần lớn là người địa phương. Một tỷ lệ lớn trong số hơn 10.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp từ Trường đang làm việc tại Bình Dương ở nhiều ngành, lĩnh vực: Giáo dục - Đào tạo, công chức - viên chức, chăm sóc sức khỏe, kinh tế… Đây không chỉ là lợi thế của Trường trong việc hình thành mối quan hệ tự nhiên, khăng khít, bền chặt với địa phương mà còn là điều kiện thuận lợi để Trường thiết lập chính sách phục vụ cộng đồng, củng cố và phát triển trách nhiệm xã hội của Nhà trường với địa phương và cộng đồng.
Bên cạnh sinh viên, học viên là người địa phương chiếm tỷ lệ cao, Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng thu hút sinh viên, học viên từ nhiều tỉnh thành đến học tập, sinh sống, góp phần thúc đẩy các loại hình dịch vụ đại học như bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng xã hội, phát triển các loại hình ẩm thực, vui chơi, giải trí,… làm chuyển biến không gian, đời sống văn hóa ở địa phương.

TS.Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một trình bày tham luận tại Hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn những vấn đề cơ bản cần hoàn thiện. Trường Đại học Thủ Dầu Một cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để xây dựng chiến lược đào tạo. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác hơn nữa với các doanh nghiệp. Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, gắn trường học với thực tiễn xã hội.
Tại các phiên làm việc của Hội thảo, các đại biểu tiếp tục thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của kỷ nguyên kỹ thuật số; đề xuất, kiến nghị phương hướng phát triển để trường đại học bắt kịp làn sóng chuyển đổi kỹ năng làm việc.

Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
TS.Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định, Hội thảo rất có ý nghĩa trong dịp Trường Đại học Thủ Dầu Một kỷ niệm 15 năm đào tạo bậc đại học và 48 năm truyền thống Nhà trường. Ông mong muốn những phát hiện, gợi mở, kiến nghị đề xuất từ Hội thảo sẽ mở rộng tầm nhìn, tiếp thêm cảm hứng sáng tạo và nguồn thông tin phong phú trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thủ Dầu Một.