Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện; các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá. Qua đó, tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai, bảo đảm đưa luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.190 văn bản, bao gồm 32 luật và 112 nghị quyết của Quốc hội, 04 Pháp lệnh và 1.042 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương
Khái quát những nội dung mới, nổi bật của 9 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Các luật được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt, đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý Nhà nước, thể hiện rất cụ thể trong nhiều quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 và các luật khác.
Các luật đã được Quốc hội thông qua đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý Nhà nước, trong đó làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Trung ương; thực hiện việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng gắn với đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì cũng như có các cơ chế phù hợp giữa các cơ quan chuyên môn có liên quan trong việc kiểm soát, giám sát cụ thể, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu tổng hợp thống nhất, kết nối, chia sẻ…
Hội nghị đã tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết, trong đó quy định những nội dung rất quan trọng về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, viễn thông, các tổ chức tín dụng; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, về căn cước, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, tài nguyên nước; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách Nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn... nhằm giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.