Quyết liệt hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại Phiên họp toàn thể với chủ đề "Giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu", tham dự có ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tiến sĩ Frank-Jürgen Richter - Chủ tịch Horasis.
Theo nhận định của các chuyên gia, biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Trên toàn cầu áp lực giảm thiểu biến đổi khí hậu ngày càng cao, trong đó châu Á không nằm ngoài áp lực đó. Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến khí hậu khu vực châu Á và Việt Nam.

Toàn cảnh Phiên toàn thể
Theo ông Mohamed Irshad - Giám đốc Quan hệ doanh nghiệp khu vực ASEAN, TCS, Singapore, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Trên thế giới cũng đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang phải hứng chịu thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hành động của thế giới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu dường như là chưa đủ, nhiều nước vẫn đặt mục tiêu ngắn hạn hơn là quan tâm tới những lợi ích dài hạn.

Đại biểu tham dự phiên toàn thể
Ông Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cao cấp về khu vực tư nhân Ngân hàng Thế giới nhận định, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam tích cực tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế; đồng thời hướng đến chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng ưu tiên, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường và an toàn với sức khỏe con người, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao.
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã dành 120 triệu đô la Mỹ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Bên cạnh đó còn hỗ trợ triển khai một số dự án về bảo vệ và phát triển rừng quốc gia của Việt Nam, sử dụng năng lượng mặt trời cho các cơ sở, góp phần thu hút nhà đầu tư trong vấn đề này.

Các chuyên gia thảo luận về giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay
Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng thông qua định hướng phát triển xanh, thông minh, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư công nghệ cao và một số dự án cụ thể.
Để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, các chuyên gia cũng nêu rõ giải pháp chính là áp dụng hiệu quả các công nghệ, phát minh tiên tiến hiện nay; hạn chế tối đa sử dụng rác thải nhựa và hướng đến chuyển đổi năng lượng sạch. Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, quyết liệt, mạnh dạn thích ứng và thay đổi. Trong đó vấn đề về nhận thức và hành động là quyết định tuyệt đối.
Chính phủ Việt Nam cần tăng cường năng lực quản lý và lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; lồng ghép mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào các chính sách và quyết định phát triển để có thể thực sự chuyển đổi sản xuất sạch, xanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, vận tải và năng lượng... Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy những hành động toàn cầu mạnh mẽ hơn, những cam kết cần đi cùng với các biện pháp cụ thể; kêu gọi sự hợp tác, tài trợ từ các tổ chức, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án "xanh" cần được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lượng tái tạo, tạo ra nhiều việc làm, mang lại lợi nhuận ngắn hạn cao hơn và tăng tiết kiệm chi phí dài hạn.
Chuyển dịch năng lượng, tiến tới phát thải ròng bằng 0
Phiên đối thoại "Xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng sạch châu Á" đã thảo luận, gợi mở các giải pháp để các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng nhanh chóng đạt được mục tiêu không carbon vào năm 2050.
Châu Á là nơi có một số nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và các quốc gia trong khu vực đang có mức độ cam kết khác nhau đối với quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Việc chuyển đổi năng lượng, thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch, truyền thống sang sử dụng các dạng năng lượng sạch hơn, ít phát thải và tiến tới trung hòa carbon là xu thế của toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dự báo trong 05 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận chụp ảnh lưu niệm
Hiện nay, Việt Nam đang phấn đấu giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí methane vào năm 2030 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạchvà tiến tới đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Tại Phiên đối thoại, bà Ruth P. Briones - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Greenergy Solutions, Philippines khẳng định, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tại Việt Nam, sản xuất điện là nguồn phát thải carbon lớn nhất do còn nhiều nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Ông Tadaaki Kimura - Giám đốc điều hành Addlight, Nhật Bản đánh giá, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam cần chuyển hướng phần lớn năng lượng sang điện gió và mặt trời, bảo đảm đến năm 2050 công suất lắp đặt điện gió đạt khoảng 150GW, phần lớn là điện gió ngoài khơi và công suất điện mặt trời khoảng 70GW; phần công suất còn lại cần chuyển dịch sang thủy điện và ngừng sử dụng than sau năm 2030. "Nếu khai thác được lợi thế tự nhiên của mình, Việt Nam có thể xuất khẩu ròng năng lượng tái tạo và trở thành trung tâm sản xuất hydro xanh" - ông Tadaaki Kimura nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh việc thay thế nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang dùng điện là xu thế hiện nay trên thế giới. Các nguồn điện mới sẽ phải được sản xuất chủ yếu từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện từ sóng biển, từ rác thải/sinh khối… mà Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển quy mô lớn.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng tiềm năng thực, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn điện này. Đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư công nghệ, hay các chính sách để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.