Khai thác hiệu quả các Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang - Tổ Đại biểu Thuận An đặt vấn đề, qua giám sát của HĐND cho thấy, việc đầu tư xây dựng các Trung tâm Văn hoá, Thể thao (VHTT) và Học tập cộng đồng (HTCĐ) thời gian qua tuy đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển của tỉnh và các địa phương. Một số nơi đã đầu tư xây dựng, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả; một số nơi có nhu cầu hoạt động, nhưng lại thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị,... ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động của các Trung tâm, chưa thu hút người dân đến tham gia học tập, sinh hoạt. Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở VHTTDL về giải pháp khắc phục tình trạng vừa thiếu, vừa chưa sử dụng hiệu quả các Trung tâm trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang - Tổ Đại biểu TP.Thuận An chất vấn tại Kỳ họp
Ông Bùi Hữu Toàn – Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, thời gian qua, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tỉnh Bình Dương cũng rất quan tâm đến xây dựng, phát triển nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hiện nay, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đều được quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ bản. Tính đến nay, đã có 66/91 xã, phường, thị trấn thành lập Trung tâm VHTT và HTCĐ; trong đó có 56/66 Trung tâm có trụ sở riêng. Nhìn chung, các Trung tâm VHTT và HTCĐ các xã, phường, thị trấn thời gian qua cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao và học tập cộng đồng của nhân dân tại cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều Trung tâm có diện tích khá rộng, cơ sở vật chất được đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng bộ máy, biên chế quản lý, điều hành chỉ là kiêm nhiệm. Kinh phí ngân sách bố trí cho hoạt động hàng năm cho mỗi Trung tâm bình quân khoảng 285 triệu đồng, chủ yếu sử dụng để chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm, hợp đồng và chi phí quản lý nên việc tổ chức các hoạt động của Trung tâm gặp nhiều khó khăn, chưa khai thác hết công năng cơ sở vật chất hiện có.
Mặt khác, các Trung tâm VHTT và HTCĐ các xã, phường, thị trấn còn diện tích đất chưa sử dụng khá lớn, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế để đầu tư, nhưng các Trung tâm không thể liên doanh, liên kết để đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các thiết chế VHTT phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục, thể thao của người dân, cũng như có nguồn thu để trang trải cho các hoạt động…
Để khai thác hiệu quả công năng các Trung tâm VHTT và HTCĐ cấp xã trong thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ kiến nghị Bộ VHTTDL có hướng dẫn cụ thể về địa vị pháp lý, tổ chức, biên chế và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm cho phù hợp với quy định đơn vị sự nghiệp tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 23/9/2020 nhằm đảm bảo địa vị pháp lý là đơn vị sự nghiệp đối với Trung tâm VHTT và HTCĐ cấp xã.

Ông Bùi Hữu Toàn – Giám đốc Sở VHTTDL trả lời chất vấn tại Kỳ họp
Song song đó, tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Trước mắt sẽ nghiên cứu tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền chọn một số trung tâm có tiềm năng để tổ chức thực hiện thí điểm mô hình xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động VHTT, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở; thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung hình thức tổ chức hoạt động của các trung tâm để thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Phát huy giá trị các di tích lịch sử
Cũng tại Phiên chất vấn, đại biểu Quách Trung Nguyên – Tổ Đại biểu TP.Thuận An đề cập, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều thiết chế văn hóa, di tích lịch sử được đầu tư quy mô lớn nhưng chưa sử dụng hiệu quả, xuống cấp. Một số nơi thiếu người quản lý, chăm sóc; một số nơi thường xuyên đóng cửa nên người dân không thể vào tham quan, tìm hiểu, gây lãng phí. Đại biểu chất vấn về giải pháp để khắc phục vấn đề này.
Trả lời vấn đề mà đại biểu Quách Trung Nguyên đặt ra, ông Bùi Hữu Toàn cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) được xếp hạng cấp quốc gia và 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia do Sở VHTTDL quản lý gồm: Di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tây Nam Bến Cát, Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ, Di tích khảo cổ Dốc Chùa và Cù lao Rùa; 07 di tích còn lại được giao cho cộng đồng dân cư và các nhân hộ gia đình trực tiếp quản lý. Trung bình mỗi năm, các di tích LSVH trên địa bàn tỉnh đón tiếp trên 75.000 lượt khách tham quan.

Đại biểu Quách Trung Nguyên – Tổ Đại biểu TP.Thuận An chất vần tại Kỳ họp
Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều khu di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, số lượng bảo vệ, tạp vụ được bố trí chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc bảo vệ tài sản gặp khó khăn, việc giữ gìn vệ sinh công trình, môi trường cảnh quan chưa tốt, nhất là các di tích xa trung tâm tỉnh, huyện. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa ngành VHTTDL với các ngành liên quan và địa phương có di tích trong khai thác, phát huy giá trị của các di tích để giáo dục lịch sử truyền thống, gắn kết với phát triển du lịch chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích LSVH tuy được quan tâm, nhưng chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số khu di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh tiến độ đầu tư còn chậm, quy mô chưa phù hợp, thiếu đồng bộ nên chậm, khó đưa vào khai thác, sử dụng.
Thời gian tới, để phát huy tối đa giá trị các di tích LSVH được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, Sở VHTTDL sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh tiếp tục phân cấp, ủy quyền quản lý các di tích cấp quốc gia cho UBND cấp huyện nơi có di tích trực tiếp quản lý nhằm bảo đảm việc bảo vệ, chăm sóc di tích được thường xuyên, chu đáo; đồng thời, xem xét bố trí thêm kinh phí chi thường xuyên và số lượng hợp lý lực lượng bảo vệ, tạp vụ trực tiếp bảo vệ, chăm sóc các di tích có quy mô, được đầu tư cơ sở vật chất lớn.
Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng, phát huy giá trị các di tích LSVH được xếp hạng trên địa bàn tỉnh theo hướng phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, UBND cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ và sử dụng; khai thác giá trị của di tích một cách hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Thường xuyên kiểm tra hiện trạng các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn; xác định lộ trình thích hợp để bố trí vốn ngân sách, huy động nguồn lực xã hội đầu tư kịp thời tu bổ, tôn tạo, bảo vệ các di tích.
Ngoài ra, Sở đang và sẽ tiếp tục tăng cường huy động sự tham gia của các lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên vào công tác tôn tạo, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích LSVH trên địa bàn tỉnh.