Cùng tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên - Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung
ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh
và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ; các đơn vị tư vấn, nhà khoa học, chuyên
gia, nhà nghiên cứu.
Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn
Văn Lợi – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc
hội tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các
sở, ban ngành tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham
vấn, lấy ý kiến của các thành viên, Ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ
quan, tổ chức liên quan, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đối với
bản dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
cho biết, Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn
và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển;
giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát
triển, không gian phát triển mới của cả nước, của vùng và thể hiện cụ thể trên
phạm vi không gian của từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị
Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay
từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng Đông Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển
khai lập quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng Đông Nam bộ đã nghiên cứu những
lợi thế, tiềm năng cũng như hạn chế của vùng và đưa ra những nhận diện, đề xuất
có tính mới, đột phá.
Quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư
duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn
lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển.
Trong đó, việc quan trọng là phải tạo các cơ chế, chính sách để hình thành các
động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới. Quy hoạch nhấn mạnh yêu
cầu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển một số ngành công
nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp
bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính... Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu,
ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hệ sinh thái khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới
như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển
của thế giới. Quy hoạch vùng xác định rõ hệ thống các hành lang phát triển chủ
yếu của vùng. Cùng với đó là cụ thể hóa các hành lang kinh tế trên địa bàn vùng
được nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia (hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành
lang kinh tế Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai công
nghiệp - đô thị - dịch vụ, hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam bộ). Đồng
thời, bổ sung các hành lang kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với vùng, bổ trợ
cho các hành lang kinh tế của quốc gia, tăng cường liên kết và thúc đẩy phát
triển các tiểu vùng. Ngoài ra, Quy hoạch vùng đặt ra vấn đề khai thác không
gian dọc theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đóng vai trò một không gian xanh -
sinh thái kết nối vùng. Quy hoạch định hướng tổ chức lại không gian phát triển
công nghiệp vùng gắn với chia sẻ chức năng giữa các địa phương trong vùng, đồng
thời tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công năng, mô hình phát triển các
khu, cụm công nghiệp để dành không gian phát triển đô thị hiện đại tại các khu
vực mật độ cao hiện hữu. Quy hoạch nêu bật yêu cầu phải hình thành mạng lưới
kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; góp phần giải quyết cơ bản tình
trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Chú trọng đẩy mạnh
phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung
tâm kinh tế, cảng biển của vùng và kết nối liên vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi góp ý dự thảo Quy hoạch
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi góp ý dự thảo Quy hoạch
Các ý kiến góp ý tập trung vào một số nội dung
chính: Quan điểm phát triển và bố trí không gian phát triển; mục tiêu tổng quát
và mục tiêu cụ thể; xác định các ngành có lợi thế; nhiệm vụ trọng tâm cần giải
quyết; phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng; giải pháp tổ chức thực hiện
quy hoạch.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính
ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng Quy hoạch
vùng Đông Nam bộ, đến nay đã hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; cảm ơn
các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất
kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn và khả thi.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước
một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng
mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi
trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình xây dựng
Quy hoạch, cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc
biệt, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả
những khó khăn, thách thức của vùng. Với tiềm năng rất đặc biệt về con người,
thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa, vùng có đủ điều kiện để trở thành
trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của
cả nước.
Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị lựa chọn kịch
bản tăng trưởng cao cho vùng trong những năm tới, đi cùng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ
chức thực hiện, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phù hợp. Về cơ cấu kinh
tế, vùng phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, chia sẻ.
Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch là trọng tâm; phát triển kinh tế nông
nghiệp xanh, công nghệ cao, nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân
văn minh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối, Thủ
tướng nêu rõ, bao gồm kết nối kinh tế, kết nối giao thông, kết nối an ninh quốc
phòng, kết nối các nguồn tài nguyên.
Kết nối kinh tế vùng với Tây Nguyên, Nam Trung
bộ và Tây Nam bộ mang tính bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau; kết nối với cả nước; kết nối
quốc tế với Lào, Campuchia, ASEAN; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trên
thế giới. Kết nối về an ninh quốc phòng với Lào, Campuchia và các nước ASEAN,
chú ý kết nối trong bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất
là tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng,
các Bộ, ngành, các vùng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn. Tổ chức
thực hiện quy hoạch bài bản, với các chế tài phù hợp, cơ chế, chính sách thông
thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh.