Tham dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Phiên họp đã xem xét, thông qua các nội dung: Định mức dự toán vận hành và xử lý nước thải sinh hoạt tại các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp; sáp nhập Trung tâm Sức khoẻ lao động và môi trường thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội; hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử; ủy quyền UBND cấp huyện tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể.

Toàn cảnh Phiên họp
Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình bày Tờ trình về việc ủy quyền UBND cấp huyện tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể. Theo đó, ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Theo Tờ trình về việc hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đối với lực lượng tình nguyện viên (không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) hỗ trợ 160.000 đồng/người/ngày. Nếu làm ban đêm hỗ trợ thêm 30% mức chi 160.000 đồng/người/ngày. Đối với lực lượng huy động như cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương, phụ cấp, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (bao gồm lực lượng Công an chính quy): Trường hợp làm trong giờ hành chính không hỗ trợ do đã được hưởng lương, phụ cấp, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định. Trường hợp làm ngoài giờ hành chính: Hỗ trợ như mức làm ban đêm của lực lượng tình nguyện viên.
Các đại biểu cũng đã góp ý phương án giá đất tính nghĩa vụ tài chính, bồi thường thực hiện các công trình, dự án: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 địa bàn TP.Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong đoạn qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một; dự án khu vực Thành ủy Thủ Dầu Một cũ; khu tái định cư Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một).
Đồng thời cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án đi qua địa giới hành chính của huyện Bắc Tân Uyên, TX.Bến Cát và TP.Tân Uyên. Điểm đầu giai đoạn 1 tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên; điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX.Bến Cát. Tổng chiều dài nghiên cứu giai đoạn 1 khoảng 47,85 km.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kết luận Phiên họp
Sau khi nghe ý kiến của các sở ngành, huyện, thị, thành phố, ông Võ Văn Minh cơ bản thống nhất với nội dung các Tờ trình. Riêng việc ủy quyền UBND cấp huyện tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các công trình liên tỉnh sẽ do UBND tỉnh cân đối nguồn lực, quyết định giá đất. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND cấp huyện thống nhất phương pháp tính, tăng cường lực lượng hỗ trợ đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất.
Đối với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quyết tâm, kiên trì thực hiện, tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải tỏa vào quý IV/2023. Ông yêu cầu tiếp tục tính toán phương thức, nguồn vốn thực hiện dự án, rà soát hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp HĐND tỉnh thông qua.