Theo báo cáo, toàn tỉnh có 396 cơ sở giáo dục công lập (119 trường mầm non, 157 trường tiểu học, 83 trường trung học cơ sở, 30 trường trung học phổ thông, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 06 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện) và tổng số 403.946 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông. Tính đến tháng 11/2022, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo có 20.057 công chức, viên chức, nhân viên, người lao động. Trong đó, có 1.053 cán bộ quản lý và 15.012 giáo viên (không bao gồm số liệu ngoài công lập và khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố).

Toàn cảnh buổi giám sát
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), toàn tỉnh có 108 cơ sở GDNN, trong đó có 07 trường cao đẳng/cao đẳng nghề, 01 phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm GDNN và 71 cơ sở khác có đăng ký. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác tại các cơ sở GDNN hiện có 2.048 người (cán bộ quản lý: 341 người; nhà giáo: 1.438 người; cán bộ, nhân viên khác: 269 người).
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình những nội dung Đoàn giám sát đặt ra
Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực: Tình trạng thiếu giáo viên bộ môn đối với cấp học phổ thông; thiếu giáo viên dạy lớp đối với cấp học mầm non do nguồn tuyển dụng ở địa phương hạn hẹp; cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học dù được xây mới và bổ sung hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt với sự gia tăng số lượng học sinh và chưa đáp ứng kịp thời với quá trình đổi mới. Số lượng người tham gia học nghề vẫn còn ít so với cơ cấu trình độ lao động hiện nay. Việc phân luồng học sinh trung học cơ sở đi học nghề còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào trường nghề còn thấp, đặc biệt là các trường trung cấp ngoài công lập. Chất lượng đào tạo một số ngành nghề ở một số trường của tỉnh còn thấp, công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp chưa cao. Đội ngũ nhà giáo trong khối GDNN còn thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, thiếu nhà giáo dạy các nghề mới, nhà giáo giỏi chuyên môn kỹ thuật và có kỹ năng nghề cao…

Thành viên Đoàn giám nêu các các nội dung kiến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Đồng thời giải trình một số nội dung mà các thành viên Đoàn giám sát quan tâm về công tác quy hoạch đào tạo; nguồn nhân lực của ngành Giáo dục nhất là giáo dục mầm non; công tác tuyển sinh các trường cao đẳng, dạy nghề; việc xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp cho Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh; Đề án dạy song ngữ ở trường chuyên; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng đã đánh giá cao những kết quả mà Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, khó khăn đã nêu ra tại buổi giám sát. Các Sở phải chủ động tìm các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị để có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực. Đoàn giám sát ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của từng đơn vị. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của các sở ngành, sắp tới Đoàn giám sát sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở ngành chuyên môn khác để có giải đáp cụ thể.