Tham dự có ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Lê Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các sở, ban ngành cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương, trong và ngoài tỉnh.
Kết nối cung cầu, ổn định thị trường lao động
Một trong những nội dung được báo chí quan tâm tại buổi họp báo là giải pháp của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định thị trường lao động trong tình hình khó khăn chung hiện nay.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia chậm lại, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các quốc gia đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ, da giày, dệt may… giảm đơn hàng dẫn đến phải giảm quy mô sản xuất.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời tại buổi họp báo
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, Sở Công Thương đã tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư gắn kết các doanh nghiệp như chương trình kết nối cung cầu hàng hoá năm 2022 (BINH DUONG EXPO 2022) qua đó có 70 doanh nghiệp, khách hàng đã ký kết hợp tác với nhau. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh mở rộng xúc tiến một số thị trường mới với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương như Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mới đẩy mạnh sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngành gỗ bị ảnh hưởng nặng về thị trường xuất khẩu và nguyên liệu sản xuất
Việc giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động. Đại diện báo chí mong muốn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ giải pháp ổn định thị trường lao động trong tình hình hiện nay.
Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, thị trường lao động có nhiều biến động do các nguyên nhân khách quan. Sau dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động do người lao động về quê tránh dịch, tỉnh phải kết nối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để kêu gọi, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 6/2022 do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới xảy ra tình trạng các đơn hàng bị cắt giảm dẫn đến thiếu việc làm cho người lao động. Trong đó ngành gỗ bị ảnh hưởng khá nặng nề về thị trường xuất khẩu và nguyên liệu, tiếp theo là ngành da giày, dệt may. Đây là các ngành thâm dụng nhiều lao động nên người lao động tại các doanh nghiệp thuộc ngành này bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo thống kê, tại Bình Dương có khoảng 37.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 250.000 lao động giảm giờ làm.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời tại buổi họp báo
Trước mắt, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tập trung chăm lo ổn định đời sống cho người lao động; điều tiết lao động từ các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Ông tin tưởng, khi thị trường thế giới ổn định, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trở lại thì thị trường lao động cũng dần chuyển biến tích cực. Sở cũng sẽ tiếp tục kết nối với các địa phương để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp quay trở lại làm việc.
Tiến độ các dự án giải quyết ùn tắc giao thông
Tại buổi họp báo, báo chí cũng quan tâm đến tiến độ các công trình giao thông nhất là các công trình cầu vượt, hầm chui tại ngã 6 An Phú (TP.Thuận An) để giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT.743. Ông Nguyễn Thanh Thuận - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, nút giao ngã 6 An Phú là điểm nóng về giao thông của tỉnh do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vận chuyển hàng hoá trên 2 trục chính ĐT.743 và Mỹ Phước - Tân Vạn rất lớn. Tỉnh đã có chủ trương phê duyệt dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng (dự án BRT), theo đó, tại giao lộ ĐT.743 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn sẽ xây dựng cầu vượt trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn với quy mô 04 làn xe, rộng 18,25m, dài 284,9m, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

Đại diện báo điện tử VNExpress đặt câu hỏi
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên giao lộ này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành hữu quan phối hợp xây dựng dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT.743, ĐT.746, ĐT.747. Theo đó, tại Ngã 6 An Phú sẽ xây dựng hầm chui trên đường ĐT.743 (giao cắt đường 22 tháng 12 và đường Bùi Thị Xuân) quy mô 4 làn xe dài 660m; xây dựng cầu vượt trên đường 22 tháng 12 và đường Bùi Thị Xuân vượt qua ĐT.743 quy mô 02 làn xe. Trước mắt, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các ngành chức năng phân luồng giao thông tại khu vực này nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông nhất là trong giờ cao điểm.
Đối với câu hỏi về tiến độ dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, ông Thuận cho biết, đường có chiều dài 47,8 km đi qua 3 huyện với 4 tiểu dự án. Trong đó dự án đường từ Tân Thành đến cầu Tam Lập dự kiến hoàn thành trong tháng 02/2023; dự án đường từ ngã 3 Tam Lập đến Bàu Bàng tiến độ thực hiện đạt 45%, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024; dự án đường từ cầu Tam Lập đi Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) khối lượng thực hiện 60%, dự kiến hoàn thành tháng 04/2024; dự án đường từ Tân Long đến Lai Uyên khối lượng thực hiện 60%, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023…

Ông Nguyễn Thanh Thuận - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời tại buổi họp báo
Ngoài ra, đại diện các cơ quan báo chí cũng đặt câu hỏi về việc xử lý các dự án khu dân cư sai phạm; tiến độ cấp Căn cước công dân, lắp đặt hệ thống Camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; đầu tư trang thiết bị cho các trường học; quản lý các spa, cơ sở thẩm mỹ… Đại diện Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế… đã giải đáp thắc mắc của báo chí tại buổi họp báo.
Kết luận buổi họp báo, ông Nguyễn Tầm Dương nhấn mạnh, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân nên kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tỉnh cũng chịu ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đơn hàng, người lao động bị cắt giảm giờ làm. Tỉnh xác định việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất chính là giải pháp căn cơ ổn định việc làm và đời sống của người lao động. Ghi nhận những đóng góp của báo chí thời gian qua, ông mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong công tác tuyên truyền góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của
UBND tỉnh, Bình Dương đã thực hiện đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tổng sản phẩm
trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng;
cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp
sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,1% - 22,8% - 2,7% - 7,4%.
Chỉ số sản xuất
công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so với năm trước. Tập trung thực hiện các thủ tục
đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp.
Tổng mức bán lẻ
hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm
trước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 154.473 tỷ đồng,
tăng 12,9% so với năm 2021. Đến 30/11/2022, tổng giá trị giải ngân là 4.719 tỷ
đồng, đạt 45,8% kế hoạch năm 2022 HĐND tỉnh giao.
Đầu tư trong nước
đã thu hút 96.722 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh; lũy kế, toàn tỉnh có 59.484
doanh nghiệp trong nước với tổng vốn là 627.000 tỷ đồng. Thu hút
đầu tư nước
ngoài đạt 3 tỷ 078 triệu đô la Mỹ; lũy kế, toàn tỉnh có 4.082 dự án
có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất, nhập
khẩu chưa đạt kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ,
tăng 9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 14,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ
đô la Mỹ, tăng 1% (kế hoạch tăng 17%).
Công tác an
sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm; các chế độ, chính sách cho người
có công, đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động
trong dịp lễ, Tết được triển khai thực hiện chu đáo.
Về tình hình dịch
bệnh truyền nhiễm, năm 2022, dịch Covid-19 tăng mạnh vào tháng 3 với 79.036 ca
và giảm dần đến tháng 6. Đến tháng 8, số ca mắc tiếp tục tăng trở lại nhưng
không tăng mạnh.
Tính đến ngày
06/12/2022, tỉnh đã triển khai tiêm được 7.518.512 liều vắc xin phòng Covid-19,
trong đó, mũi 1: 2.851.326 liều, mũi 2: 2.481.025, mũi 3:
1.795.535 liều và mũi 4: 390.626 liều.
Toàn tỉnh ghi nhận
14.323 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 104,6% so với cùng kỳ năm 2021; có 21 trường
hợp tử vong.