Tham dự có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y các tỉnh, thành: Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Phước, Long An, Hà Nội, Nghệ An, Bình Định, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp Việt Nam…
Mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong năm 2021, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi mặc dù bị anh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng ở mức cao cả về số lượng và kim ngạch (đạt trên 1,5 tỷ đô la Mỹ) trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành Chăn nuôi. Cụ thể, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân đạt khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp; từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung công nghệ, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phúng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Đặc biệt, sự hình thành, đầu tư của các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed, Công ty Dabaco, Công ty GreenFeed... đã góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững cho chăn nuôi Việt Nam trong tương lai; tạo điều kiện cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của cả nước hiện chưa tương xứng với tiềm năng ngành Chăn nuôi. Do đó hội nghị nhằm tạo bước khởi đầu trong việc kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, công ty nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất là các sản phẩm có tiềm năng lợi thế của Việt Nam; đề xuất các giải pháp, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất và phát triển xuất khẩu sản phẩm ngành Chăn nuôi với mục tiêu là nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm chăn nuôi của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Về kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật trong giai đoạn 2022-2025, Cục thú Y cho biết, mục tiêu là mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm động vật. Nâng cao chất lượng sản phẩm động vật, xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu. Xây dựng thành công các chuỗi sản xuất đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh (ATDB) và bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị
Tại hội nghị, các địa phương đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật như: Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch xuất khẩu có tính chiến lược lâu dài; quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh để mở rộng thị trường. Đồng thời tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, đầu tư để người chăn nuôi, doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, liên kết trong dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Có dự báo kịp thời về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và nghiên cứu các giải pháp phòng các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện một cách hiệu quả để ổn định chăn nuôi đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp để nâng cao giá trị sản phẩm. Nghiên cứu các giải pháp kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ và thẩm định xây dựng chuỗi, vùng ATDB cho các địa phương. Cục Chăn nuôi sớm xây dựng và triển khai phần mềm, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chăn nuôi từ cơ sở đến cấp tỉnh…
Bình Dương kiến nghị bổ sung 02 dự án của tỉnh vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong xây dựng thành công nhiều vùng ATDB, quản lý an toàn thực phẩm đảm bảo yêu cầu phục vụ xuất khẩu. Mặc dù là tỉnh tập trung phát triển công nghiệp nhưng trong những năm gần đây ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn được duy trì phát triển ổn định; cơ cấu ngành Chăn nuôi đã được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Quan điểm của tỉnh là phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường (hiện tại chăn nuôi ứng dụng công nghệ
cao của tỉnh Bình Dương chiếm khoảng 60-70%). Sản phẩm chăn nuôi đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, khu vực và có khả năng hướng đến xuất khẩu.

Ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 912.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, riêng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9%; tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7%. Trong 2 tháng đầu năm 2022, ngành Chăn nuôi tỉnh đã cung ứng ra thị trường trên 500.000 con heo thịt và trên 3,9 triệu con gà thịt, thực hiện kiểm soát giết mổ tại địa phương trên 200.000 con heo và trên 4 triệu con gia cầm.
Có thể nói, ngành Chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh; cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông Nam bộ và có khả năng hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong công tác xây dựng vùng ATDB động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Tỉnh đã được Cục Thú y công nhận 10 vùng ATDB cấp huyện. Có 47 cơ sở ATDB cấp xã và 185 trang trại chăn nuôi được công nhận ATDB; đã có 19 trang trại chăn nuôi heo đã được công nhận là cơ sở ATDB động vật đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét bổ sung 02 dự án của tỉnh Bình Dương vào danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025 theo nội dung Văn bản số 3293/BNN-HTQT ngày 02/06/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hướng dẫn địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Sớm phê duyệt Dự án "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới" để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện mục tiêu sản xuất, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.