Tham
dự có ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng Ban tổ chức; ông Bùi Hữu Toàn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh
đạo Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa
Bình Dương và đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa
phương trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình
Dương phát biểu tại hội nghị
Thông
tin với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình
Dương cho biết, Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn
hóa Bình Dương nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử của Nhà trường qua mốc son
120 năm xây dựng và phát triển, qua đó giáo dục, động viên, khích lệ tinh thần
các thế hệ cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên Nhà trường phấn đấu hăng say
trong học tập và làm việc. Đồng thời giới thiệu các thành tựu giá trị nghệ thuật
về ngành nghề truyền thống ở địa phương của các thế hệ cha, ông đã có công sáng
lập, tạo dựng và gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa mỹ thuật của dân tộc nói
chung và của địa phương Bình Dương nói riêng nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay
và mai sau.
Theo
đó, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào ngày 26/11/2021 tại Trường Trung cấp Mỹ thuật
– Văn hóa Bình Dương (đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) với sự
tham dự của 160 khách mời, trong đó có các cựu giáo viên, cựu học sinh Trường.
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động Triển lãm mỹ thuật với các
tác phẩm tranh sơn mài, sơn dầu, khắc, gỗ, lụa… tại khuôn viên Nhà trường.
Trước
đó, Nhà trường đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Mỹ thuật Đông Nam bộ -
phát triển và hội nhập”; họp mặt cựu giáo viên, cựu học sinh.
Thầy
Lê Quang Lợi – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường thông tin thêm về lịch sử
phát triển của Trường
Thầy
Lê Quang Lợi – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường đã thông tin thêm về lịch sử
phát triển của Trường. Theo đó, Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một chính là
tiền thân của Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương ngày nay, đây là một
trong những trường mỹ nghệ ứng dụng ra đời sớm nhất ở Đông Dương do chính quyền
thuộc địa mở từ năm 1901. Từ
khi thành lập đến nay, Trường đã từng
bước từ dạy nghề đến lý thuyết khoa học và thực
hành, rồi kế tiếp là giáo dục chuyên nghiệp về chuyên ngành mỹ thuật, đã góp phần
xác lập một hệ thống đào tạo chính quy về mỹ thuật. Trường đã đào tạo nhiều lớp nghệ nhân giỏi nghề, có
tri thức về văn hóa thẩm mỹ, từ thủ công đến thợ thủ công lành nghề rồi danh
xưng họa sĩ, nhà thiết kế, đã có đóng góp thiết thực trong
các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội ở trong và ngoài nước.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn
hóa Bình Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba
năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2012, và nhiều Cờ thi đua, Bằng
khen của UBND tỉnh Bình Dương.

Đại biểu tham quan khu vực triển lãm mỹ thuật của Nhà trường
Các thầy, cô đang khẩn trương hoàn thiện các tác phẩm nghệ thuật để trưng bày trong ngày Lễ kỷ niệm của Trường
Trường
Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chịu sự quản lý trực
tiếp và toàn diện của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương theo
phân cấp quản lý của UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Giai
đoạn 1901-1914, Trường đặt cạnh tòa tỉnh trưởng Thủ Dầu Một, đường Đinh Bộ Lĩnh
ngày nay, do Trường Thủ Dầu Một dạy đa dạng
nghề truyền thống nên dân gian đất Thủ gọi là Trường Bá nghệ. Năm 1913, trường
mở lớp dạy đồ gỗ, điêu khắc, sơn mài ở Thủ Dầu Một, đây chính là một trường có
ban dạy sơn mài đầu tiên ở Việt Nam. Giai đoạn 1914-1932, trường dời về địa
điểm đối diện nhà việc Phú Cường, trước chợ Thủ Dầu Một. Đầu năm 1932 trường đổi
tên là trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, sau đó dời về đường Bạch Đằng cạnh bờ sông
Sài Gòn cho đến nay. Trường dạy tổng hợp tất cả nghệ thuật trang trí
nội thất bao gồm bốn nghề, mỗi nghề tương ứng với một ban: Ban tế mộc công (nghề làm mộc, đóng tủ bàn ghế), Ban điêu
khắc (chạm khắc gỗ, khảm và đá cẩm thạch), Ban sơn mài, Ban vẽ
kiểu mộc và trang trí.
Trường
đã đào tạo nhiều nghệ nhân, họa sĩ, nhà kinh doanh mỹ nghệ, họ đã thành lập nhiều
cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng, góp phần phát triển ngành nghề
truyền thống ở địa phương và khu vực, đã tác động việc chuyển hóa công tác đào
tạo nghề đến việc cung cấp nguồn nhân lực nghệ nhân giỏi phục vụ nhu cầu lao động
vừa có tay nghề cao, vừa có tư duy thẩm mỹ, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ
có chất lượng.
Phần
lớn giáo viên giảng dạy tại trường đều được đào tạo ở các trường Đại học Mỹ thuật
Hà Nội, Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Bách
khoa Sài Gòn… và đội ngũ nghệ nhân có tay nghề giỏi tại địa phương. Ngày
07/7/2006, Trường được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Tháng 8/2012, Trường được đổi tên thành Trường Trung cấp
Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương trên cơ sở hợp nhất Trường Trung cấp Mỹ thuật
Bình Dương và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Dương.