Tin tức sự kiện
Thứ 5, Ngày 18/11/2021, 23:00
Bình Dương: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
18/11/2021 | Phương Chi - Yến Nhi

TTĐT - ​Chiều 18-11, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp lần thứ 5 thông qua Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp.​

Tham dự có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, các Ủy viên UBND tỉnh và một số ban ngành, đoàn thể. Phiên họp được trực tuyến đến 09 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.

Hoàn thành một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là đầu quý III dịch bệnh bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh chưa có tiền lệ để thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tỉnh đã đạt và vượt 22/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79% so với năm 2020. Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm.

5a71c8ddbe9875c62c89.jpg

Toàn cảnh Phiên họp

Sản xuất công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành lân cận. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,5% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 690 triệu đô la Mỹ, tăng 14,7% so với năm 2020.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước giảm 4,3%; ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 42.700 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu ước đạt 18.500 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng.

Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng nhiều phương thức, cách làm phù hợp; thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đến ngày 15/11/2021, tỉnh đã thu hút 72.456 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 8,3% so với năm 2020); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 53.147 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 515.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2 tỷ 069 triệu đô la Mỹ (vượt 14,9% kế hoạch năm); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ đô la Mỹ.

Song song đó, an sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được đảm bảo, đời sống người dân được ổn định. Giải quyết việc làm cho 17.697 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 80,5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dưới 1%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đạt 30,3m2/người.

Tổng kết năm học 2020 - 2021, chất lượng dạy và học ở các cấp tăng hơn so với năm học trước; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia ước đạt 79,08%. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao,... có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng cao; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bình Dương thực hiện phương châm lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân và sát dân nhất. Triển khai các phương án, kế hoạch và kịch bản phòng, chống dịch với nhiều cấp độ; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, triển khai tiêm vắc xin toàn dân tiến tới miễn dịch cộng đồng, tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền trên 642 tỷ đồng; có 60 Đoàn với 3.406 y, bác sĩ, tình nguyện viên chi viện cho tỉnh phục vụ phòng chống dịch. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới, số lượt thu dung điều trị giảm mạnh và số ca xuất viện tăng, các địa phương thực hiện công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và bắt đầu tái khởi động các hoạt kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới từ 01/10/2021.

Năm 2022 phấn đấu GRDP tăng 8-8,3%

Đạt được nhiều kết quả khả quan, song kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2021 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực công nghiệp, dịch vụ gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, tăng chi phí, giảm đơn hàng nên phải thu hẹp quy mô hoặc tạm thời ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; công tác lập các quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ, chưa được khắc phục hiệu quả. Người lao động mất làm việc, di chuyển tự phát về quê gây mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế - xã hội bước vào giai đoạn phục hồi. Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng như năng lực điều trị bộc lộ hạn chế, nhân lực y tế phải chịu nhiều áp lực, thách thức trong điều trị các ca nhiễm; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Dự báo tình hình thế giới và khu vực, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; điều hành thu – chi ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị… Phấn đấu năm 2022, GRDP tăng 8-8,3% so với năm 2021.

IMG_5713.JPG

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu kết luận Phiên họp

Kết luận Phiên họp, ông Võ Văn Minh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong năm 2021, tỉnh đã vượt qua khó khăn lớn nhất và đã kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế sau đại dịch đang được phục hồi nhanh. Về định hướng thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương chú trọng hơn nữa đến công tác phòng, chống dịch, không lơ là chủ quan. Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong công tác quản lý và điều trị F0. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và vốn đầu tư toàn xã hội. Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh rà soát các thủ tục hành chính về đầu tư công để tham mưu cắt giảm một số thủ tục; tìm các giải pháp để đón người lao động quay trở lại tỉnh làm việc. Về mở lại trường học, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện một cách an toàn, đảm bảo học sinh đi học trở lại khi đã được tiêm vắc xin. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nghiên cứu phương án để mở lại hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, đặc biệt là các trường mầm non, các cơ sở trông, giữ trẻ để tạo điều kiện cho công nhân lao động gửi con. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính ở các ngành, địa phương, tiếp tục nâng số thủ tục hành chính công mức độ 3 và 4. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chú trọng quy hoạch quỹ đất cho xây dựng các hạng mục, công trình công ích. Đẩy mạnh chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, thực hiện di dời các dự án công nghiệp về phía Bắc của tỉnh để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại ở khu vực phía Nam. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành và địa phương chủ động tham mưu các phương án, giải pháp để triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Phiên họp cũng đã xem xét thông qua các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi và và phân bổ ngân sách địa phương năm 2022; Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025; Quy định phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Dương; Phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và Hội có tính chất đặc thù tỉnh Bình Dương năm 2022; Quy định chế độ hỗ trợ đối với lực lượng cơ động xử lý sự cố giao thông và lực lượng 113 bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quy định số lượng và chế độ hỗ trợ đối với Công an viên bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Dương.


Lượt người xem:  Views:   3691
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tin nổi bật( time )

Tác giả

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Phân loại

Loại bài viết

Audio

Tin liên quan

Từ khóa

FriendlyName

Email

Từ khóa

LuongCoSo

Hệ số ảnh

Hệ số lương cơ sở

Hệ số tin

Tiền nhuận bút

Tin mới nhất

AverageRating0

RatingCount0

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Tin tức sự kiện