Đẩy mạnh đầu tư vào Bình Dương
Theo thống kê, đến nay, Bình Dương đã có hơn 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,87 tỷ đô la Mỹ, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư năng động và thuận lợi của tỉnh luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung khi chọn lựa địa điểm để đầu tư.
Ông Tsutomu Sakagami - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, Bình Dương là một trong 4 tỉnh, thành phố phía Nam thu hút lớn vốn đầu tư của DN Nhật Bản. Đây là tỉnh có môi trường đầu tư tốt. Với những chính sách mà Bình Dương đang thực hiện đã và đang tạo sự an tâm cho người lao động sống và làm việc tại Bình Dương.
Công ty Điện tử Foster (Nhật Bản) đầu tư xây dựng Nhà máy tại KCN Việt Nam - Singapore I
Tại Bình Dương, ngành nghề đầu tư của DN Nhật Bản rất đa dạng, từ cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị - thương mại - dịch vụ đến sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất thép, thực phẩm… Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Tập đoàn Tokyu đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ dự án phát triển đô thị thành phố mới Bình Dương, Công ty TNHH Maruchi Sun Steel đầu tư 420 triệu đô la Mỹ, Tập đoàn Aeon đầu tư 95 triệu đô la Mỹ xây dựng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đầu tư 240 triệu đô la Mỹ, Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam tăng vốn thêm 7 triệu đôla Mỹ để sản xuất mực in các loại tại KCN VSIP I, nâng vốn đầu tư của công ty lên 21,5 triệu đôla Mỹ…. Hầu hết các dự án của Nhật Bản tại Bình Dương đều được triển khai khá nhanh.
Ông Trần Văn Nam (bìa phải) - Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam
Cùng với làn sóng DN Nhật Bản đầu tư mới vào địa bàn tỉnh Bình Dương thì các DN Nhật Bản đang hoạt động tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản yên tâm, tin tưởng khi đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương, đồng thời, chứng minh họ đang hoạt động có hiệu quả.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao chọn Bình Dương để đầu tư dự án, ông Wada Yuji - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sun Steel, đúc kết: “Công ty rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn nhưng với kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty cùng với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của lãnh đạo Bình Dương trong các năm qua, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới này để mở rộng thêm 2 dây chuyền mạ kẽm và mạ màu, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước”.
Sora gardens Becamex Tokyu
Đồng quan điểm trên, ông Nakata Yasuya Ki - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Becamex Tokyu cho biết, “FDI đầu tư vào Bình Dương ngày một tăng trưởng cao và tăng trưởng rất nhanh nhờ vào các chính sách đúng đắn của tỉnh Bình Dương và chúng tôi đánh giá cao những chính sách thu hút này. Chúng tôi với tư cách là nhà DN Nhật Bản cũng như các DN nước ngoài khác đánh giá rằng môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương là rất tốt. Các dự án của Tokyu đang tiến hành tại tỉnh Bình Dương trong 3 năm qua đạt được những kết quả tích cực. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục cùng với tỉnh thực hiện những dự án nhằm mục đích phát triển TP.Mới Bình Dương thật tốt”.
Triển khai hiệu quả các dự án vay vốn ODA
Bên cạnh việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, y tế, giáo dục, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ vốn vay ODA (viện trợ không hoàn lại) cho các dự án an sinh xã hội tại Bình Dương thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đóng góp tích cực này, phải kể đến nguồn vốn ODA Nhật Bản đang được giải ngân rất mạnh vào các dự án cải thiện môi trường tại Bình Dương. Trong đó, dự án Nhà máy xử lý nước thải cho toàn TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với công suất 17.650m3/ngày đêm bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã chính thức đưa vào vận hành hồi tháng 5/2013.
Nhà máy xử lý nước thải TP.Thủ Dầu Một được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 2.000 tỉ đồng (tương đương 9,8 tỉ Yên) bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay đã thu gom được hơn 6.000m3/ngày đêm, vượt kế hoạch dự kiến 2 năm đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân.
Mục đích của dự án đầu tiên được xây dựng để thực hiện chức năng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho 13.000 hộ dân sống trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một - nhằm cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, bảo vệ môi trường và nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị.
Giai đoạn 2 của Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương được triển khai tại TX.Thuận An là Tiểu dự án 2 của Dự án thoát nước và xử lý nước thải cụm đô thị Nam Bình Dương có công suất 54.000m3/ngày đêm được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 17.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, tương đương 13 tỷ Yên Nhật (trong đó vốn ODA 85%, vốn đối ứng 15%).
Khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải TX.Thuận An
Khi dự án hoàn thành, sẽ cải thiện môi trường sống, điều kiện vệ sinh và mỹ quan đô thị tốt hơn, giảm được nguy cơ ô nhiễm môi trường, bệnh tật do nước thải gây ra, bảo vệ nguồn nước sạch sông Sài Gòn để phục vụ cho nhu cầu dân sinh và sản xuất.
Đánh giá về các dự án vay vốn ODA, ông Mutsuya Mori - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương đang được triển khai thực hiện tại Bình Dương là dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản được triển khai hiệu quả nhất tại Việt Nam. Ông hy vọng, Bình Dương tiếp tục triển khai các dự án sử dụng vốn ODA đạt hiệu quả hơn nữa.
Ông Trần Văn Nam - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương sẽ góp phần đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020, xây dựng thành phố Bình Dương xanh, sạch, người dân có cuộc sống tốt hơn. Đồng thời nhấn mạnh, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với các đối tác triển khai nhanh việc đấu nối nước thải của các hộ dân vào hệ thống của Nhà máy để tăng công suất xử lý nước thải. Việc phát triển giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với sự hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đang được thực hiện. Trong thời gian tới, tuyến xe buýt nhanh kết nối Trung tâm thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên sẽ được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, xứng tầm với một thành phố văn minh, hiện đại đang trên đà phát triển.
Trên cơ sở thành công của các dự án vay vốn ODA được triển khai tại Bình Dương, mới đây nhất (4/6/2015), JICA đã làm việc với tỉnh Bình Dương về việc triển khai dự án "Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước các lưu vực sông". Đây là dự án có sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản nhằm giúp các tỉnh, thành trên lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn cải thiện môi trường nước trên các sông này.
Đặc biệt, ngày 21/8/2015, Đoàn lãnh đạo tỉnh Yamaguchi cùng các DN Nhật Bản sẽ đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương và ký kết hợp tác trên các lĩnh vực. Đầy là một bước tiến mới trong sự hợp tác phát triển bền vững và hiệu quả giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung, tỉnh Yamaguchi và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Mai Xuân