Đầu tư phát triển
Thứ 6, Ngày 19/06/2015, 10:30
TTĐT - Thời gian qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Bình Dương đã làm được hàng nghìn công trình giao thông nông thôn (GTNT), giúp cho bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Xóa bỏ rào cản thành thị và nông thôn
Phong trào giao thông nông thôn-chỉnh trang đô thị (GTNT-CTĐT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương quan tâm thực hiện ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh. Đặc biệt, năm 1998, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND phát động phong trào làm GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây được xem là mốc khởi điểm, tiền đề cho thành quả đã đạt được trong phong trào của tỉnh suốt thời gian qua, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, cũng như chỉnh trang đường phố ở các khu trung tâm đô thị của tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2014, tỉnh đã thực hiện được 2.102 công trình, với tổng chiều dài 1.249,69km, tổng kinh phí 1.530,380 tỷ đồng. Trong đó, giá trị huy động nhân dân bằng tiền mặt, giá trị hiến đất và công trình kiến trúc là 211,793 tỷ đồng; tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa chiếm 47,67% về số công trình và 30,4% về tổng chiều dài.
Phong trào giao thông nông thôn-chỉnh trang đô thị thời gian qua đã làm cho bộ mặt nông thôn Bình Dương thay đổi
Sự phát triển của phong trào GTNT-CTĐT những năm qua đã góp phần xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn; rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo, mang lại cho nông thôn bộ mặt mới, tiềm năng để phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông của nhân dân. Việc thông thương giữa các vùng được đảm bảo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung.
Sự phát triển của giao thông nông thôn thời gian qua góp phần xóa bỏ rào cản giữa nông thôn và đô thị
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào GTNT-CTĐT trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn và tồn tại. Đó là tiến trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh, giá trị đất, công trình kiến trúc ngày một tăng cao nên công tác vận động, huy động nhân dân (hiến đất, tiền mặt, công trình kiến trúc) để làm GTNT gặp nhiều khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng càng gặp khó khăn hơn (có sự so sánh giữa công trình do Nhà nước đầu tư 100% với công trình GTNT), nhất là các hộ đầu tuyến hẻm, ở các đoạn đường cong. Tình hình thu ngân sách của một số địa phương gặp khó khăn, nguồn vốn huy động từ nhân dân rất thấp nên hầu hết các địa phương này đầu tư các tuyến GTNT với kết cấu mặt đường chủ yếu là sỏi đỏ.
Dù được chú trọng đầu tư, nhưng nhiều tuyến đường nông thôn hiện nay chủ yếu là đường sỏi đỏ
Tình trạng xe quá tải tránh né lực lượng kiểm tra tải trọng, lưu thông vào các tuyến đường nông thôn làm đường hư hỏng nặng. Nguồn vật liệu tại chỗ của địa phương ngày một hạn hẹp, phải vận chuyển từ nơi khác đến nên giá trị đầu tư công trình cao hơn. Chức danh cán bộ phụ trách giao thông ở cấp xã không có biên chế chính thức, kiêm nhiệm là chính, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện,...
Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ
Nhằm tạo diện mạo mới cho bộ mặt GTNT, cũng như góp phần chỉnh trang đô thị đường phố ở các khu trung tâm đô thị của tỉnh, Sở GTVT tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình GTNT trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của vùng nông thôn. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ, liên hoàn, kết nối với hệ thống giao thông huyện, tỉnh… kết nối nông thôn với đô thị, với các vùng nguyên liệu, khu sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong công tác thi công, kiểm tra giám sát thi công, công tác bảo dưỡng các công trình GTNT. Đầu tư các tuyến đường nông thôn theo hướng bền vững, lâu dài (bê tông hóa, nhựa hóa, kết hợp các hạ tầng kỹ thuật khác).
Thời gian tới Bình Dương sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường nông thôn kiên cố phục vụ nhu cầu đi lại của người dân
Do đó, để đạt được những mục tiêu nêu trên, sở đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện thời gian tới. Cụ thể, các cấp ủy Đảng, Mặt trận, Đoàn thể và Chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp…trên địa bàn về lợi ích của việc xây dựng và phát triển hệ thống GTNT. Trên cơ sở đó, vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp…tự nguyện đóng góp kinh phí, đất đai hoa màu…để làm GTNT. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch, thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo…các công trình GTNT, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Các phòng ban chuyên môn cấp huyện thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ, chất lượng công trình, thẩm tra hồ sơ thiết kế công trình và cử cán bộ hỗ trợ các xã, phường, thị trấn trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình GTNT-CTĐT. UBND cấp xã chủ động phối hợp với các phòng ban của các huyện, thị để thực hiện theo đúng trình tự thủ tục hiện hành, thanh quyết toán công trình được thuận lợi.
Hệ thống giao thông nông thôn đang được Bình Dương tập trung đầu tư xây dựng
Để phong trào GTNT-CTĐT thực sự đạt hiệu quả cao, một số huyện, thị đã có kiến nghị và UBND tỉnh đang xem xét để tháo gỡ những khó khăn đó. Cụ thể, đối với những trường hợp người dân hiến đất làm đường nông thôn, khi đi cập nhật, điều chỉnh lại diện tích sử dụng đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở, thay vì bắt buộc người dân đóng phí theo quy định, tỉnh cần xem xét hỗ trợ miễn phí cho các trường hợp này. Xem xét lại giới hạn khoảng cách lộ giới đường bộ với những trường hợp người dân hiến đất làm đường. Sớm ban hành quy chế bảo trì GTNT, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông đường bộ sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng…
Đình Lý
Lượt người xem: Views:
679
Tin khác
Bài viết:
Hạ tầng giao thông nông thôn từng bước thay đổi
Tin về đầu tư - phát triển
|