Đầu tư phát triển
Thứ 5, Ngày 04/06/2015, 03:24
TTĐT - Dù chịu áp lực lớn từ quá trình phát triển kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các chỉ tiêu về môi trường đều ở mức cho phép
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường mà Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra cho giai đoạn 2011-2015 đến nay đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm ngày càng chủ động. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiếp tục được kiện toàn, nâng cao cả về chất lượng, lẫn số lượng - giúp hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên.
Dù chịu áp lực phát triển kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu nhưng môi trường tỉnh Bình Dương vẫn đạt các chỉ tiêu cho phép
Cụ thể, về môi trường nước, chất lượng nước mặt của các sông đoạn chảy qua địa bàn tỉnh hiện nay còn khá tốt, đạt tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt nhưng cần phải xử lý, trừ hạ lưu sông Sài Gòn bị ô nhiễm hữu cơ nhẹ. Các kênh, rạch tại phía Nam của tỉnh hiện nay vẫn bị ô nhiễm hữu cơ nhưng chất lượng nước trong thời gian qua có cải thiện so với giai đoạn 2006-2010. Chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ có xu hướng ngày càng giảm. Đối với nước dưới đất, trong giai đoạn 2011-2015, mực nước của đa số các tầng chứa nước dưới đất trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và có xu hướng tăng. Chất lượng nước dưới đất thời gian qua còn tốt, các chỉ tiêu phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép. Về môi trường không khí, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2014 còn khá tốt, chỉ tiêu ô nhiễm đều nằm trong quy chuẩn môi trường cho phép, trừ một số khu vực có mật độ giao thông cao như ngã tư Cầu Ông Bố, Miếu Ông Cù, KCN Sóng Thần…. Môi trường đất chất lượng đất còn khá tốt, kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm trong đất thấp hơn quy chuẩn cho phép nhiều lần; diện tích đất bị suy thoái trên địa bàn tỉnh không nhiều.
Hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt được bố trí trên các tuyến đường
Môi trường các ngành nghề, lĩnh vực cũng được chú trọng đầu tư xử lý và có nhiều cải thiện. Cụ thể, đối với môi trường công nghiệp, hầu hết các cơ sở công nghiệp đã chú trọng đầu tư xử lý nước thải, đều xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý bụi và khí thải cho các nguồn điểm. Trong thời gian qua, nhờ quyết liệt thực hiện chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nên tình trạng ô nhiễm khí thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm gần hoặc đan xen trong khu dân cư đã giảm so với giai đoạn 2005-2010. Đối với môi trường nông nghiệp, nông thôn, đã có nhiều cải thiện. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh đều tăng lên.
Thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt góp phần cải thiện môi trường
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế và gặp không ít thách thức như: việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các DN chưa cao, còn nhiều cụm công nghiệp và DN chưa xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường; chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh có xu hướng được cải thiện, tuy nhiên có lúc, có nơi tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra; hệ thống hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, chắp vá giữa cũ và mới, đa số các khu dân cư, đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xả nước thải gây ô nhiễm ra môi trường; khả năng cảnh báo, dự báo diễn biến chất lượng môi trường còn hạn chế; hệ thống quản lý chất thải rắn kiện toàn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế xã hội; công tác khai thác nguồn thu trong lĩnh vực môi trường chưa tương xứng với tiềm năng; việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật về cấp thoát nước, xử lý chất thải đã được đẩy mạnh nhưng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, Bình Dương đã chú trọng đến công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt góp phần giảm ô nhiễm môi trường
Hướng tới đô thị xanh
Để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng phát triển bền vững, đồng thời hướng tới Thành phố xanh vào năm 2030, trong thời gian tới, vấn đề bảo vệ môi trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được triển khai với nhiều mục tiêu, giải pháp.
Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tập trung đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tại khu dân cư
Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường; tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền và giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức đến hành động về bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngay từ khi lập, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển; tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; ưu tiên bố trí các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp tập trung; không tiếp nhận những dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Nhanh chóng hoàn thiện việc kiện toàn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn các cấp; triển khai thực hiện quy hoạch chất thải rắn đến năm 2020 và đề án thu gom, xử lý chất thải y tế đã được phê duyệt. Tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải, sản xuất và thu hồi năng lượng từ chất thải; thực hiện cơ chế phát triển sạch đối với các ngành nghề chăn nuôi, chế biến mủ cao su… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm môi trường, không để phát sinh mới các điểm nóng về môi trường.
Bình Dương đang hướng tới phát triển một đô thị xanh
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án xử lý nước thải. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các đô thị thị xã Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên; đầu tư mở rộng và nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tăng cường quản lý và khai thác nguồn nước mặt - nhất là nguồn nước thủy lợi Phước Hòa-Dầu Tiếng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhằm hạn chế khai thác nước dưới đất. Điều chỉnh, bổ sung quy định vùng cấm, vùng tạm cấm, vùng hạn chế hoạt động khai thác nước dưới đất cho toàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Quy hoạch chi tiết phân khu chức năng đô thị và các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng đô thị xanh; cải thiện chất lượng không khí, tăng diện tích cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, đặc biệt là các đô thị cũ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, bảo vệ, phục hồi và đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; bảo đảm giữ nguyên diện tích rừng trồng và độ che phủ trên toàn tỉnh.
Lượt người xem: Views:
1084
Tin khác
Bài viết:
Môi trường tỉnh Bình Dương chuyển biến tích cực
Tin về đầu tư - phát triển
|