Thực hiện theo đúng lộ trình
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bình Dương, tính đến ngày 10/6/2014, có 105/107 cơ sở sản xuất lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, ký bản cam kết và niêm phong lò. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014, một số cơ sở, doanh nghiệp do chưa hiểu rõ, cho rằng việc chấm dứt hoạt động có thể được điều chỉnh thời gian đến năm 2018, nên đã không chấp hành nghiêm, tháo niêm phong máy ép gạch để tiếp tục sản xuất sau ngày 30/8/2014.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn số 1971/SXD-KTVLXD ngày 26/9/2014, giải thích rõ lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman đến 30/6/2014 và gia hạn đến 30/9/2014 của tỉnh Bình Dương là không trái với Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lộ trình này cũng được UBND tỉnh báo cáo xin phép với Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 107/BC-UBND ngày 06/10/2014 để Bình Dương tiếp tục thực hiện lộ trình.
Cũng theo Sở Xây dựng, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 54 lò gạch Tuynel với tổng công suất thiết kế khoảng 1,62 tỷ viên, cao hơn gấp đôi so với định hướng tổng công suất thiết kế gạch nung cho cả vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 (Tổng công suất thiết kế vật liệu xây dựng cho vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 là 2,78 tỷ viên, trong đó gạch nung là 0,7 tỷ viên và vật liệu xây không nung là 2,08 tỷ viên). Do đó, để thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh.
Xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định
Tại Thông báo số 208/TB-UBND ngày 25/9/2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các giải pháp thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng không phép, sai phép, không chấp hành chấm dứt hoạt động lò Hoffman giao UBND các huyện, thị xem xét mức độ và lĩnh vực vi phạm của các cơ sở, doanh nghiệp, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xử lý.

Đoàn công tác đi khảo sát các cơ sở sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên
Đối với các cơ sở, doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman, tỉnh khuyến khích cho chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Các sở, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý như xây dựng, đất đai… để các cơ sở, doanh nghiệp sớm ổn định và tiếp tục hoạt động trong môi trường mới.
Đối với các trường hợp chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung từ công nghệ Hoffman sang công nghệ Tuynel, UBND các huyện, thị tổng hợp đề xuất với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu UBND tỉnh cho phép nhưng phải có kế hoạch đến năm 2020 thì chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch xây không nung, bảo đảm theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với việc giải quyết vấn đề lao động tại các cơ sở này, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tham mưu các chính sách hỗ trợ đối với lao động trong và ngoài độ tuổi làm việc tại các lò gạch Hoffman. Trước mắt tập trung giải quyết đối với công nhân có đóng bảo hiểm xã hội, hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cơ sở, doanh nghiệp nào không mua bảo hiểm xã hội cho công nhân thì tự giải quyết hỗ trợ cho công nhân. Đối với công nhân trong độ tuổi lao động, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu vào các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn theo năng lực được đào tạo hoặc tay nghề có sẵn. Còn đối với số công nhân ngoài độ tuổi lao động, hướng dẫn, giới thiệu các nơi cần lao động phù hợp với độ tuổi hoặc tạo điều kiện trở về quê sinh sống. UBND huyện, thị xã vận dụng các chính sách xã hội hỗ trợ cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Đồng tình với việc xử lý các lò gạch Hoffman của tỉnh Bình Dương
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đánh giá, Bình Dương là một trong những tỉnh thực hiện tốt lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman. Cụ thể, tỉnh đã có quy hoạch phát triển VLXD, có thông báo đến các cơ sở, doanh nghiệp từ rất sớm và có lộ trình cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đồng tình với lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch Hofman của Bình Dương
Qua kiểm tra 3 cơ sở trên địa bàn thị xã Tân Uyên, Thứ trưởng cho biết, công nghệ lò gạch Hoffman tại tỉnh là công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu lớn, môi trường lao động không an toàn, công nghệ này hiện nay trên thế giới đã cấm sử dụng hoàn toàn. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ sở này không phù hợp với quy hoạch về phát triển VLXD của tỉnh, hầu hết các lò không có phép. Cụ thể, tại cơ sở Mai Ngọc Lan với 1 lò Hoffman, dù ngưng hoạt động nhưng còn ngổn ngang đất, sét và gạch chưa nung. Cơ sở này không có giấy phép xây dựng và sử dụng sai mục đích khi xây dựng trên đất trồng cây lâu năm. Tại cơ sở Phước Thành và cơ sở Vạn Lộc Thành đang hoạt động mà không có giấy phép xây dựng và sử dụng đất sai mục đích… Ngoài ra, các cơ sở này không thực hiện ký kết hợp đồng lao động, không có bảo hiểm lao động, bảo hiểm xã hội, trang bị bảo hộ lao động đối với người lao động, khu vực sản xuất và ăn ở không được tách riêng gây mất an toàn cho người lao động. ông Nam cũng cho biết, tại điểm e, khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ ràng về lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò Hoffman là trước năm 2016, tuy nhiên các cơ sở, doanh nghiệp hiểu đến năm 2018 là không đúng. Trên cơ sở các văn bản quy định và trực trạng khảo sát, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam kết luận, tỉnh đã có quy hoạch, có lộ trình rõ ràng, hợp tình hợp lý đối với các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh, có kiểm tra, có quyết định xử lý theo đúng pháp luật. Các bước triển khai của tỉnh là có cơ sở pháp luật, phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Thứ trưởng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương kiên quyết thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, giám sát chặt chẽ và có hướng xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm.
Ông Nam cũng cho biết, trong Quyết định số 1469/ QĐ-TTG ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính chủ có giao cho UBND các tỉnh xem xét điều chỉnh, căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng vùng miền, quy định mà rà soát lại quy hoạch. Từ đó xem chỗ nào có thể chuyển đổi sang sản xuất VLXD không nung, chỗ nào chuyển sang sản xuất bằng công nghệ lò gạch Tuynel có bài bản, căn cơ và trật tự, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Theo ông Nam, sau khi kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh, Đoàn sẽ có kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm khẳng định, khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman theo đúng lộ trình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện nay, nước ta mỗi năm sản xuất khoảng 22-24 tỷ viên gạch, dự kiến đến năm 2020, tăng lên 40 tỷ viên. Với lượng gạch này, nếu chúng ta sản xuất hoàn toàn bằng đất sét nung thì sẽ tiêu tốn khoảng trên 2.000ha đất mỗi năm tương đương với diện tích của một xã, tiêu hao khoảng 6 triệu tấn than. Hiện nay, mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 40 triệu tấn than; theo quy hoạch phát triển ngành điện, nhiệt điện sẽ đốt khoảng 60 triệu tấn than mỗi năm; thải hàng năm ra môi trường khoảng 17 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường. Do đó Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 nhằm mục tiêu đẩy mạnh sản xuất VLXD không nung trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn phế thải từ ngành công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp hóa chất và công nghiệp khai khoáng vừa tạo nguồn nguyên liệu cho ngành VLXD vừa giảm diện tích bãi thải và ô nhiễm môi trường.
Mai Xuân