Theo đó, đối tượng thụ hưởng là người dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên dân tộc Gia Rai, XTiêng, Khơ Mú, Khmer, Ba Na, Gaglai, Thái và các dân tộc khác theo Nghị quyết số 52/NĐ-CP của Chính phủ.
Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu về nâng cao thể lực; phát triển trí lực; nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường. Cụ thể, đến năm 2020, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người dân tộc thiểu số còn 6%, nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 75 tuổi, 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc và giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 100%, 60% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm…
Các sở, ban, ngành phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông vùng đông dân tộc, các trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số theo học; phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số; chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa khi sinh con theo đúng chính sách dân số; mở rộng dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, quản lý thai, khám thai định kỳ, bổ sung vi chất cần thiết cho bà mẹ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn mang thai; xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thời gian đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ, văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số và đặc điểm của tỉnh; tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số…