Chương trình hành động xác định mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; có ít nhất 35.000 - 40.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó khoảng 3-5% doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Để đạt được mục tiêu đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Cụ thể, công khai, minh bạch tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của UBND tỉnh và của các Sở, ngành, UBND cấp huyện trên cổng, trang thông tin điện tử và tại các Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. UBND tỉnh chủ trì cùng các ngành liên quan tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn. Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh thành lập, công khai và vận hành đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu.
Để tiếp tục tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tham mưu xây dựng các đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trình UBND vào quý I, năm 2017; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và sử dụng có hiệu quả đất đai nông nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ sớm triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với nhiệm vụ bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Sở Công thương đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công. Sở Tài chính phối hợp tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã đề ra. Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp đề xuất giải pháp công khai hóa quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quỹ đất nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.
Tổ chức đối thoại để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Về giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, các Sở, Ban, ngành và UBND cấp huyện tổ chức quán triệt Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ và triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân sách. Cục Thuế thực hiện tốt cơ chế một cửa trong việc xác định giá thuê đất; công khai các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách nhằm giúp các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp nắm rõ các cơ chế chính sách về tài chính, thuế, Hải quan để các doanh nghiệp chủ động trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Sở Giao thông - Vận tải chủ trì tham mưu UBND tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch về cước và phụ cước; thực hiện các giải pháp tin học hóa nhằm nâng cao chất lượng giao thông vận tải, dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy định, thủ tục thu, chi trả bảo hiểm xã hội; tạo thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao.
Để tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Thanh tra nhà nước tỉnh, các đơn vị thanh tra chuyên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Các Sở, Ban, ngành và UBND cấp huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tòa án nhân dân Bình Dương tuân thủ chặt chẽ quy trình tố tụng hiện hành trong quá trình xử lý tranh chấp thương mại; theo dõi và nắm bắt được thực tiễn hoạt động của tòa án cấp dưới, từ đó có biện pháp đôn đốc và nhắc nhở tòa án cấp dưới tuân thủ chặt chẽ các quy định về tố tụng.