Theo đó, Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ và giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế…
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước; khẩn trương thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 06/9/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách Trung ương và nâng cao tính chủ động của ngân sách địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giai đoạn tới.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạ tầng trọng điểm mang tính chất lan tỏa, kết nối vùng như: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13... góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào cuối năm 2030 của cả nước. Khẩn trương thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng, các dự án đường sắt đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030…
Kế hoạch số 371/KH-UBND