Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, nhằm nâng cao ý thức của người dân về tác hại, tính chất lây lan và biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc. Cần xác định rõ, công tác tuyên truyền là yếu tố quyết định trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thú y rà soát kế hoạch phòng, chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, trang thiết bị và dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch. Tham khảo thông tin về typ vi rút lở mồm, long móng đang lưu hành trên địa bàn. Đánh giá nguy cơ lây nhiễm của các typ vi rút từ các địa phương khác, căn cứ khuyến cáo về sử dụng vắc xin của Cục Thú y để xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho phù hợp.
Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Khi có dịch xảy ra, cần xử lý triệt để, thực hiện tiêu hủy gia súc mắc bệnh còn ở diện hẹp, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt để dập tắt nhanh ổ dịch. Triển khai hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.
Phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nhằm hạn chế tối thiểu dịch bệnh lở mồm, long móng trên gia súc (Ảnh: Hoàng Phạm)
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống, dịch bệnh gia súc, gia cầm chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng liên quan trên địa bàn tổ chức giám sát phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp. Củng cố hệ thống báo cáo dịch bệnh, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật thường xuyên.
Chỉ đạo các ban ngành liên quan cấp đủ kinh phí và tổ chức phòng bệnh chủ động bằng vắc xin cho đàn gia súc. Tiếp tục áp dụng các biện pháp chủ động phòng, chống dịch khác theo tinh thần
Công điện số 14/CĐ-BNN-TY, ngày 10/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Tăng cường công tác phòng dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm”.
Hiện nay, bệnh lở mồm, long móng trên gia súc đã xảy ra tại một số xã, huyện thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, tại huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) và huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), đã phát hiện gia súc bị bệnh lở mồm long móng typ A. Đồng thời, theo kết quả lấy mẫu giám sát của Cục Thú y, từ đầu năm 2013 đến nay, đã phát hiện vi rút lở mồm long móng typ O lưu hành tại các tỉnh: Sơn La, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Vĩnh Long. Gần đây, đã phát hiện vi rút lở mồm long móng typ A lưu hành tại các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời gian vừa qua, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chính quyền các cấp và các ngành triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp tích cực. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, nhân dân và chính quyền cơ sở vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Vì vậy, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại một số xã của các huyện Bến Cát, Dầu Tiếng.
|
Hoài Hương