Theo đề xuất của Sở Công Thương về các tiêu chí đánh giá xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời: Doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; doanh nghiệp không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục được; địa điểm hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, nếu cơ sở, doanh nghiệp thuộc tiêu chí "không phù hợp với quy hoạch" nhưng không vi phạm các tiêu chí còn lại thì không thuộc đối tượng buộc phải di dời.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương báo cáo dự thảo Kế hoạch và các tiêu chí di dời
Góp ý cho dự thảo các tiêu chí, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ: Nếu doanh nghiệp vi phạm 1 trong 3 tiêu chí về quy định Luật Xây dựng, Luật Đô thị; quy định về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục thì thuộc diện không đủ điều kiện hoạt động, bắt buộc phải di dời theo lộ trình.
Đối với các doanh nghiệp đảm bảo không vi phạm 3 tiêu chí trên nhưng chưa hết thời hạn sử dụng đất hoặc giấy phép đầu tư… thì doanh nghiệp thuộc diện không bắt buộc di dời. Tỉnh có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện di dời nếu địa điểm hoạt động của doanh nghiệp chưa đảm bảo "phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Bình Dương xây dựng các tiêu chí và chính sách khuyến khích doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào khu, cụm công nghiệp
Việc thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam của tỉnh vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương. Đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải kiên trì thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hoà lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước. Phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, chủ doanh nghiệp và người lao động để đánh giá tính khả thi khi chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp. Có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, tổ chức thí điểm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, chính sách hỗ trợ của tỉnh phải được xây dựng theo đúng quy định của thể chế pháp luật. Trong đó, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ tập trung vào 02 nhóm: Nhóm doanh nghiệp bắt buộc phải di dời và nhóm doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện hoạt động nhưng khuyến khích di dời. Chính sách hỗ trợ đối với người lao động gồm: Chính sách lương ngừng việc; trợ cấp mất việc làm; đào tạo nghề…