Thông tư được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan. Qua đó nhằm giúp người dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa; nhà sản xuất, kinh doanh thông tin, quảng bá sản phẩm; cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Thông qua quét mã QR, người dùng có thể nắm bắt thông tin của sản phẩm
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn phương thức ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử hoặc ghi trên nhãn hàng hóa gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Nhóm hàng hóa và nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử được thực hiện theo quy định tại Phụ lục "Một số nội dung theo tính chất của hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử" ban hành kèm theo Thông tư.
Khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử quy định tại Thông tư, tổ chức và các nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa phải đảm bảo các yêu cầu Phương thức điện tử được thể hiện rõ đường dẫn trên nhãn hàng hóa. Ví dụ như: Mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác; bảo đảm phương tiện, thiết bị và hướng dẫn khách truy cập nội dung quy định bằng phương thức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ; nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, tổ chức và cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.