Thông tin tuyên truyền
Thứ 3, Ngày 17/02/2009, 10:20
Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Trung Quốc: Quá trình đàm phán và kết quả phân giới, cắm mốc
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
17/02/2009
Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
* hình: Cột mốc biên giới tại cửa khẩu Hà khẩu- Lào cai.
Ngày 30/12/1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Sau 8 năm triển khai công tác phân giới, cắm mốc, ngày 31/12/2008, hai Bên đã kết thúc toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đúng thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là sự kiện rất quan trọng không chỉ đối với nước ta và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mà còn đối với cả khu vực. Dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm đến sự kiện này.

1. KHÁI QUÁT VỀ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT – TRUNG.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.400km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; được hoạch định và phân giới, cắm mốc lần đầu tiên trong lịch sử bằng Công ước hoạch định biên giới ngày 26/06/1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20/06/1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc). Địa hình dọc đường biên giới chủ yếu là đồi núi cao và sông suối, trong đó có gần 400km đường biên giới đi theo sông suối.
Trong hơn 100 năm qua kể từ khi các Công ước Pháp – Thanh được ký kết, đường biên giới giữa hai nước đã trải qua nhiều biến đổi trên thực địa do thời tiết và do biến động về chính trị - xã hội ở mỗi nước cũng như trong quan hệ hai nước, đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới 1979. Từ nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, tình hình tranh chấp căng thẳng ở các khu vực biên giới diễn ra khá phổ biến.

Thực tế cho thấy, việc hoạch định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh được xúc tiến hơn 100 năm trước với phương tiện và điều kiện hạn chế lúc đó nên lời văn và bản đồ không được đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Các cột mốc biên giới được cắm từ cuối thế kỷ 19 không được xác định bằng lưới tọa độ; mặt khác, cùng với thời gian nhiều mốc đã bị hư hỏng, thậm chí bị mất, một số mốc bị xê dịch; nhiều mảnh bản đồ gốc cũng không còn, tại nhiều khu vực trên đường biên giới đã xảy ra sự chuyển dịch dân cư không phù hợp với đường biên giới pháp lý. Vì những lẽ đó, việc nảy sinh những nhận thức khác nhau, thậm chí tranh chấp là điều dễ hiểu.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên và với mục tiêu xác định lại chính xác đường biên giới để quản lý tốt hơn, tránh xảy ra các vụ tranh chấp ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị hai nước, ngay sau khi bình thường hoá quan hệ tháng 11/1991, hai bên đã thoả thuận đàm phán, ký kết Hiệp ước mới thay cho các Công ước Pháp - Thanh và sau đó tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa.

2. HIỆP ƯỚC 1999: CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA CÔNG TÁC PHÂN GIỚI, CẮM MỐC.
Ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ với các nước láng giềng. Ngày 02/11/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên tôn trọng đường biên giới lịch sử được hoạch định trong các Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, hai Bên thông qua đàm phán giải quyết mọi tranh chấp. Tháng 4/1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam.

Với mục tiêu xác lập đường biên giới rõ ràng giữa hai nước, từ năm 1974 đến 1979, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành 03 lần đàm phán về biên giới lãnh thổ, nhưng không đạt được kết quả do hai bên có lập trường, quan điểm khác xa nhau.
Sau khi bình thường hóa quan hệ, từ tháng 10/1992, hai Bên tiến hành đàm phán lần thứ tư về biên giới lãnh thổ. Sau 01 năm đàm phán, tháng 10/1993, hai Bên đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc, theo đó hai Bên đồng ý lấy các Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 và các văn kiện, bản đồ hoạch định, cắm mốc biên giới kèm theo làm căn cứ để xác định lại đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc; các khu dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn định của dân cư; đối với những đoạn biên giới sông, suối thì giải quyết theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Hai Bên đã căn cứ vào các nguyên tắc trên để đàm phán xác định đường biên giới. Kết quả là trong tổng chiều dài khoảng 1.400 km thì nhận thức của hai bên trùng nhau gần 950km (chiếm 69% tổng chiều dài đường biên); hai bên có nhận thức khác nhau ở 289 khu vực với tổng chiều dài khoảng 450km (chiếm 31%) với diện tích khoảng 232km2.

Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, thay mặt Nhà nước hai nước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền đã ký Hiệp ước về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, đặt nền tảng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài giữa hai nước.

Hiệp ước 1999 đã ghi nhận toàn bộ hướng đi của đường biên giới từ Tây sang Đông và kết quả giải quyết 289 khu vực có nhận thức khác nhau. Theo đó: khoảng 114,9 km2 thuộc Việt Nam; khoảng 117,2km2 thuộc Trung Quốc. Chỉ còn bốn (04) khu vực hai Bên chưa giải quyết được (ba khu vực ở Cao Bằng, trong đó có khu vực thác Bản Giốc) và khu vực cửa sông Bắc Luân (bản đồ đính kèm Hiệp ước chỉ thể hiện nét đứt). Hai Bên thoả thuận sẽ giải quyết các khu vực này trong quá trình phân giới, cắm mốc.
Hiệp ước 1999 là sự kiện quan trọng có ý nghĩa to lớn trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt, Hiệp ước 1999 là cơ sở pháp lý cho việc phân giới, cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hiệp ước 1999 mới chỉ xác định đường biên giới bằng lời văn và trên bản đồ. Để thực thi chủ quyền quốc gia, tiến hành bảo vệ và quản lý lãnh thổ trên thực địa, hai Bên cần tiến hành phân giới, cắm mốc, chuyển đường biên giới từ lời văn trong Hiệp ước và bản đồ ra thực địa, cùng nhau xác định, đánh dấu rõ ràng từng vị trí cột mốc, vạch ra đường biên giới chính xác trên thực địa.

3. QUÁ TRÌNH PHÂN GIỚI, CẮM MỐC
Ngay sau khi ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hai Bên đã thành lập Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; thỏa thuận chia đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc thành 12 đoạn, giao cho 12 Nhóm liên hợp phối hợp tiến hành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Về phía ta, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc gồm Lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và Lãnh đạo các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc thành lập Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc của tỉnh do một đồng chí lãnh đạo tỉnh làm Trưởng ban.

Từ năm 2000 và 2002, hai Bên đã thoả thuận được 12 văn bản pháp lý kỹ thuật làm cơ sở cho công tác phân giới, cắm mốc. Tháng 12/2001, hai Bên tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Từ tháng 10/2002, hai Bên đồng loạt triển khai phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Trong 2 năm 2002 và 2003, hai bên thoả thuận tiến hành công tác phân giới, cắm mốc theo hình thức “cuốn chiếu” từ Tây sang Đông, tức là làm đến đâu dứt điểm đến đó. Trong giai đoạn này, do hai Bên còn có nhận thức khác nhau về cách thức triển khai nên công tác phân giới, cắm mốc tiển triển rất chậm, hai Bên chỉ cắm được 89 cột mốc.

Từ năm 2004 - 2006, hai Bên thỏa thuận triển khai công tác phân giới, cắm mốc theo phương châm “dễ trước, khó sau”. Nhờ đó, công tác phân giới, cắm mốc có tiến triển nhanh hơn. Hết năm 2006, hai Bên đã xác định được gần 70% vị trí mốc giới. Tuy nhiên, sang đầu năm 2007 tốc độ phân giới, cắm mốc chậm lại do các khu vực tồn đọng đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời, đã qua nhiều vòng đàm phán nhưng chưa giải quyết được.

Trước tình hình đó, hai Bên đã đưa ra nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc, thỏa thuận giải quyết các vấn đề còn tồn đọng theo phương thức “cả gói”, trên cơ sở các nguyên tắc:

i) Căn cứ pháp lý Hiệp ước năm 1999 và bản đồ đính kèm.
ii) Giải quyết tất cả các khu vực trong “gói” theo cùng một tiêu chí.
iii) Công bằng, hợp tình, hợp lý; cân bằng về lợi ích, hai Bên đều chấp nhận được.
iv) Biên giới đi qua tất cả mốc cũ và các dấu tích lịch sử.
v) Giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống dân cư.

Trong quá trình giải quyết cụ thể, hai Bên đã nhất trí chia các khu vực tồn đọng thành nhiều “gói”, mỗi “gói” giải quyết theo một số tiêu chí nhất định. Hai Bên đặc biệt quan tâm đến các gói: “cửa khẩu”, “mốc cũ Pháp - Thanh” và gói “thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân”.

Suốt 8 năm qua, hai Bên đã cùng nhau cố gắng giải quyết các vấn đề trên thực địa và trong đàm phán trên tinh thần thông cảm và chiếu cố đến mối quan tâm của nhau nhằm tìm ra một giải pháp công bằng, phù hợp với lời văn và tinh thần của Hiệp ước 1999. Hai Bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ và rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn Đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ; 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc. Riêng trong năm 2008, hai Bên đã tiến hành 06 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn Đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc, vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất kéo dài 23 ngày, phiên họp dài nhất kéo dài liên tục hơn 30 giờ liền.

Đến ngày 31/12/2008, hai Bên đã giải quyết dứt điểm toàn bộ các vấn đề còn tồn tại, hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ đã ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đúng thời hạn như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận.

Hai Bên đã phân giới xong toàn bộ tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.400 km, trong đó có gần 400km đường biên giới đi theo sông, suối; cắm 1.991 cột mốc (trong đó có 1.548 cột mốc chính; 443 cột mốc phụ). Hệ thống mốc giới này đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học, chi tiết. Nếu so sánh với đường biên giới của các nước trên thế giới, đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được đánh giá là có mức độ cột mốc dầy đặc và rõ ràng, được xác định theo phương pháp hiện đại, đảm bảo tính trung thực và bền vững lâu dài.

Kết quả phân giới, cắm mốc là thỏa đáng, hợp tình, hợp lý, đáp ứng yêu cầu của cả hai Bên, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản mà hai Bên đã thỏa thuận. Đường biên giới được xác lập trên thực địa về cơ bản theo đúng đường biên giới trong Hiệp ước 1999. Đối với một số nơi, hai Bên cùng điều chỉnh theo nguyên tắc cân bằng về lợi ích và diện tích nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không gây xáo trộn đối với cuộc sống của cư dân biên giới.

Trong các khu vực hai Bên có ý kiến khác nhau thì các cửa khẩu, khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, v.v… là những khu vực hết sức phức tạp và nhạy cảm đối với dư luận hai nước và quốc tế. Đây là những khu vực hai Bên đã đàm phán qua rất nhiều vòng và đến những phút cuối cùng mới đạt tới giải pháp hai Bên cùng chấp nhận được. Cụ thể là:
Cột km0 tại cửa khẩu Hữu Nghị- Lạng Sơn- Tại cửa khẩu Hữu Nghị, đường biên giới đi qua Km0, mốc 19 cũ của Pháp và cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc, đúng theo bản Ghi nhận chung giải quyết các khu vực C;
- Tại một số cửa khẩu khác, đường biên giới đều đi qua các mốc cũ từ thời Pháp - Thanh: tại cửa khẩu Chi Ma, đường biên giới đi qua mốc cũ số 44; tại cửa khẩu Tân Thanh, đường biên giới đi theo một đường thẳng qua mốc cũ số 15; tại cửa khẩu Pò Peo, đường biên giới đi theo bức tường đá qua mốc cũ số 72 và qua một chòi quan sát của Trung Quốc trên đỉnh núi; tại cửa khẩu Trà Lĩnh đường biên giới đi theo phía Nam con đường của Trung Quốc; Trung Quốc giữ lại hàng cây, Ta giữ được hầu hết đất canh tác, nguồn nước và khu nghĩa địa của dân.
- Tại khu vực Hoành Mô, đường biên giới đi giữa ngầm Hoành Mô theo như thực tế quản lý.
- Đối với hai khu dân cư tại Hà Giang và Lạng Sơn, trên cơ sở giảm thiểu tối đa tác động đến khu dân cư, hai bên đã nhất trí điều chỉnh đường biên giới trên cơ sở cân bằng diện tích, giữ nguyên trạng khu dân cư. Cụ thể, Ta giữ được nguyên trạng toàn bộ bản Ma Lỳ Sán ở Hà Giang gồm 13 hộ, 65 khẩu; Trung Quốc giữ được 13 nóc nhà (tiếp giáp địa bàn tỉnh Lạng Sơn).

- Khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, hai Bên đã đi đến giải pháp tổng thể. Theo đó, tại khu vực thác Bản Giốc, đường biên giới đi từ mốc 53 cũ qua cồn Pò Thoong đến điểm giữa mặt thác chính (phần thác phụ và 1/2 thác chính, 1/4 cồn Pò Thoong quy thuộc Việt Nam, Ta giữ lại dấu tích trạm thủy văn xây dựng từ những năm 1960 trên cồn Pò Thoong). Hai Bên thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại thác Bản Giốc. Tại khu vực cửa sông Bắc Luân, đường biên giới đi trên bãi Tục Lãm và bãi Dậu Gót (3/4 bãi Tục Lãm và 1/3 bãi Dậu Gót thuộc Việt Nam; 1/4 bãi Tục Lãm và 2/3 bãi Dậu Gót thuộc phía Trung Quốc). Hai Bên thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại các khu vực thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, hòn Tài Xẹc, bãi Dậu Gót; đồng thời nhất trí thiết lập khu giao thông thủy tự do cho dân địa phương hai bên sử dụng luồng hai bên bãi Tục Lãm và bãi Dậu Gót.

Như vậy
, kết quả giải quyết các khu vực nhạy cảm nói trên là công bằng, hai Bên nhân nhượng lẫn nhau, tuân theo đúng các nguyên tắc mà hai Bên đã thỏa thuận cũng như những quy định của Hiệp ước 1999, đáp ứng được mối quan tâm của cả hai Bên, đảm bảo cho việc quản lý ổn định, lâu dài và tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai. Kết quả này là hợp lý, thoả đáng và hai Bên cùng chấp nhận được, hoàn toàn không có chuyện Ta bị “mất đất” như một số thế lực thù địch cố tình xuyên tạc.

Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phân giới, cắm mốc:

Phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là một công trình trọng điểm quốc gia, nội dung liên quan đến nhiều ngành, chuyên ngành kỹ thuật, pháp lý, quản lý, bảo vệ… của các bộ, ngành ở Trung ương và 7 tỉnh địa phương biên giới. Trong quá trình triển khai vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn.

 Thuận lợi:
- Công tác phân giới, cắm mốc nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước. Về phía ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập nhiều cuộc họp để nghe báo cáo tình hình và cho ý kiến chỉ đạo các cuộc đàm phán. Nhiều đồng chí Lãnh đạo cấp cao đã trực tiếp lên khảo sát thực địa nhiều lần để nắm tình hình và động viên các lực lượng phân giới, cắm mốc.

- Các lực lượng phân giới, cắm mốc giữa Ta và Trung Quốc đã có sự phối hợp tương đối tốt. Hai Bên đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhóm phân giới, cắm mốc của mỗi bên triển khai công tác trên thực địa như cho mượn đường ở những nơi một bên có khó khăn về giao thông; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho người và phương tiện tham gia công tác phân giới, cắm mốc…

- Các bộ, ngành và địa phương liên quan của Ta đều nhận thức rõ và có ý thức trách nhiệm rất cao đối với công việc được giao; đã luôn phối hợp nhịp nhàng để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới, cắm mốc. Đặc biệt, trong quá trình công tác tại thực địa, các Nhóm công tác phân giới, cắm mốc đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân, chính quyền địa phương các khu vực biên giới và của các Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn. Công tác phân giới, cắm mốc còn nhận được sự quan tâm, động viên của đồng bào trong và ngoài nước. Đây là chỗ dựa, là sự động viên tinh thần cực kỳ quan trọng giúp cho các Đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ và những Nhóm phân giới, cắm mốc vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trọng đại mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

 Khó khăn:
- Thực tiễn quốc tế cho thấy không có văn bản nào có thể mô tả chi tiết đường biên giới cũng như các yếu tố liên quan đến đường biên. Với việc ký kết Hiệp ước năm 1999, đường biên giới mới chỉ được mô tả bằng lời văn trong Hiệp ước và được vẽ trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000. Đường biên giới trên bản đồ là một nét bút mực, khi chuyển ra thực địa có thể sai lệch hàng chục, thậm chí hàng trăm mét. Do vậy, để phân giới, cắm mốc chính xác là việc làm hết sức khó khăn. Trong một số trường hợp, sự không thống nhất giữa lời văn Hiệp ước, bản đồ đính kèm và thực địa dẫn đến việc không thống nhất được hướng đi của đường biên giới; do đó đã tạo ra các khu vực tồn đọng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc.

- Biên giới Việt Nam - Trung Quốc có đặc điểm rất ít thấy trong những đường biên giới giữa các nước. Đó là, tại các khu vực biên giới cư dân biên giới hai nước sinh sống và canh tác đan xen qua nhiều thế hệ. Ở một số nơi, cư dân biên giới lại có quan hệ dòng tộc lâu đời, việc qua lại thăm thân, làm ăn diễn ra tương đối thường xuyên. Có những khu vực bên này quản lý quá sang biên kia và ngược lại. Số mộ chí mai táng sang nhau khá lớn.

- Công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu được thực hiện ở những nơi có điều kiện địa hình hết sức phức tạp, độ chia cắt lớn (núi cao, đèo dốc hiểm trở), điều kiện khí hậu, thời tiết hết sức khắc nghiệt (lũ quét; lũ ống, v.v…), cơ sở hạ tầng yếu kém (nhiều nơi không có đường giao thông; xa khu dân cư). Có những nơi, Nhóm phân giới, cắm mốc phải đi bộ 3 - 4 ngày mới vào được khu vực đóng trại để thực hiện công tác song phương; các cột mốc (mốc đại nặng tới 950 kg, mốc trung nặng 500 kg và mốc tiểu nặng 300 kg), vật liệu xây dựng, lương thực, máy móc thiết bị... phần lớn đều phải vận chuyển bằng sức người đến vị trí mốc giới.

- Phân giới, cắm mốc đối với Ta là công việc tương đối mới mẻ, chưa có kinh nghiệm nên phải vừa làm vừa học. Hơn thế nữa, tại nhiều khu vực biên giới vẫn còn bom mìn, vật cản từ thời chiến tranh để lại. Vì vậy, trong 8 năm phân giới, cắm mốc đã có 3 đồng chí hy sinh, 35 đồng chí bị thương vì bom, mìn; 01 đồng chí hy sinh, 02 đồng chí bị thương do tai nạn trên đường biên.

4. Ý NGHĨA CỦA VIỆC HOÀN THÀNH CÔNG TÁC PHÂN GIỚI, CẮM MỐC
Việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Một là,
cùng với việc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000, với việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới trên đất liền, Ta đã giải quyết dứt điểm được hai trong ba vấn đề lớn do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Điều này chứng tỏ hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có đủ khả năng để giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị và toàn diện giữa hai nước.

Hai là,
việc hoàn thành phân giới, cắm mốc xác định rõ ràng một đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới; mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.

Ba là,
việc hoàn thành phân giới, cắm mốc, đưa Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc vào cuộc sống theo đúng Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước là biểu hiện sinh động của mối quan hệ “đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Trung Quốc, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn.

Bốn là,
việc hoàn thành phân giới, cắm mốc thể hiện rõ quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong việc giải quyết bằng thương lượng hoà bình tất cả các vấn đề biên giới lãnh thổ còn tồn đọng trong quan hệ hai nước.

Năm là,
trên bình diện quốc tế và khu vực, việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự đóng góp thiết thực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, góp phần khẳng định các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế: giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ bằng thương lượng hoà bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế.

5. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG THỜI GIAN TỚI
Phân giới, cắm mốc mới chỉ hoàn thành trên thực địa. Sắp tới, ta và Trung Quốc còn phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để xây dựng các văn bản pháp lý liên quan nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý biên giới, phục vụ việc giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa hai nước. Cụ thể là:

-Soạn thảo, biên tập và ký kết Nghị định thư phân giới, cắm mốc và bản đồ đính kèm (đây là công việc có khối lượng rất lớn, khoảng 4.000 trang văn bản, bản đồ).
 -Soạn thảo và ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới.
 -Soạn thảo và ký kết Hiệp định về quản lý cửa khẩu.
 -Soạn thảo và ký kết Hiệp định về hợp tác khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc.
 -Soạn thảo và ký kết Hiệp định quy định chi tiết việc quản lý đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân.
Nguồn: Tuyengiao.vn
Lượt người xem:  Views:   6955
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Time)

Tác giả

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Phân loại

Loại bài viết

Audio

Tin liên quan

Từ khóa

FriendlyName

Tin nổi bật

Email

Từ khóa

Hệ số ảnh

Hệ số lương cơ sở

Hệ số tin

LuongCoSo

Tiền nhuận bút

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Thông tin tuyên truyền