Viễn thông Bình Dương khai trương
Cửa hàng dịch vụ Viễn thông Thủ Dầu Một
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã có mặt hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cả nước như VNPT, EVN Telecom, SPT, FPT Telecom, Viettel … Sự đa dạng này đã thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ và thuê bao trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Đến tháng 5/2009, toàn tỉnh có gần 3 triệu thuê bao di động, tăng hơn 2 triệu thuê bao so với quy hoạch năm 2009 (911.065 thuê bao); hơn 42.000 thuê bao ADSL, đạt tỷ lệ 4,36 thuê bao/ 100 dân (quy hoạch năm 2009 là 3,6 thuê bao/ 100 dân); doanh thu viễn thông năm 2008 và quý I/2009 khoảng 125 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát triển, mở rộng cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông còn chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng. Với hơn 3.000 km mạng truyền dẫn, hơn 6.000 km cáp quang (dự kiến trong năm 2009, Viễn thông Bình Dương sẽ ngầm hóa 63 km cáp), khoảng 200 tuyến cáp treo trên các cột điện lực và 782 trạm thu, phát sóng thông tin di động (cao hơn quy hoạch đến năm 2010 là 175 trạm) đã cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh trong những tháng cuối năm dự báo sẽ tăng trưởng nhanh, kéo theo hoạt động viễn thông sẽ tiếp tục phát triển. Các doanh nghiệp viễn thông cần tăng cường liên kết dùng chung hạ tầng nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác an ninh thông tin. Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các ban, ngành liên quan nhằm tạo sự đồng bộ khi xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo kiến trúc cảnh quan cho đô thị Bình Dương trong tương lai không xa.
Bạch Nhi