Theo đó, Sở Nội vụ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai Chỉ thị đến các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, thường xuyên hướng dẫn, định kỳ tổ chức sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ, triển khai Luật Lưu trữ và các văn bản có liên quan cho cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ và CCVC trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ. Qua đó, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) trực tiếp soạn thảo văn bản và làm công tác văn thư, lưu trữ nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi tiến độ xây dựng và trang bị các phương tiện, trang thiết bị bảo quản tài liệu của kho lưu trữ chuyên dụng tại Trung tâm chính trị - hành chính tập trung của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan, ban ngành cần bố trí CCVC có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt công tác văn thư, lưu trữ. Đối với những cơ quan, tổ chức đã bố trí CCVC làm công tác văn thư, lưu trữ nhưng không đúng chuyên ngành đào tạo thì tạo điều kiện CCVC tham dự bồi dưỡng, tập huấn.
Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau 10 ngày (kể từ ngày ký) và bãi bỏ Chỉ thị số 17/2007/CT-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc "Tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ".