Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Tăng cường công tác cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân, đặc biệt người dân ở vùng trũng thấp, ven sông, suối và hạ lưu các hồ chứa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan.
Đồng thời, kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành; phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm và hiệu quả; đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp; quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu "Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm bốn tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững cho người dân.
Đồng thời, kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình PCTT trước, trong và sau mùa mưa lũ, đặc biệt là hệ thống đê bao, hồ đập, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu,… Xác định các vị trí trọng điểm, xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê bao, hồ đập, xả lũ khẩn cấp. Tổ chức hướng dẫn điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình, đặc điểm tự nhiên, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu của địa phương đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT theo quy định, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết mưa, bão; tình hình thủy văn, mực nước các sông chính và các hồ chứa quốc gia; tham mưu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ huy, chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả trước, trong và sau thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các nội dung và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thông qua Văn phòng thường trực theo địa chỉ số 89, đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, điện thoại 0274-3.829.389; Fax: 0274-3.829.955; Email vpttbchpclb@binhduong.gov.vn.
Chỉ thị