Theo đó, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông, nhằm phổ biến quy định pháp luật về quản lý chất thải y tế tại cộng đồng và các cơ sở y tế, góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đẩy mạnh quản lý chất thải y tế từ khâu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải; tiến hành quan trắc, giám sát môi trường định kỳ và báo cáo kết quả cho các cơ quan chức năng theo quy định. Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế, bao gồm sản xuất, tái chế nhựa từ các chất thải. Phối hợp chặt chẽ trong đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các công trình xử lý chất thải y tế hiệu quả, tiết kiệm, tránh chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế. Kịp thời báo cáo và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp để quản lý chất thải y tế đúng quy định.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về quản lý chất thải y tế cho cán bộ ngành y tế, các ngành có liên quan, nhằm nâng cao năng lực quản lý chất thải y tế.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt, chẽ đối với việc vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch đầu tư xử lý chất thải y tế, thực hiện tốt mục tiêu "Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020", phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư xử lý chất thải cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các cơ sở y tế để vận hành thường xuyên các công trình, hệ thống xử lý chất thải y tế, đảm bảo xử lý chất thải hiệu quả, tránh lãng phí.
|
Hoài Hương