Theo đó, giao Sở Y tế tổ chức đào tạo, tập huấn phổ biến hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh dại trên người theo chỉ đạo của Bộ Y tế và chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại trên người; rà soát, xem xét, tăng cường các điểm tiêm vắc-xin phòng dại, đảm bảo ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố có một điểm tiêm; chuẩn bị đầy đủ vắc-xin tiêm cho người dân khi có nhu cầu.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó; xử lý triệt để các ổ dịch dại nhằm giải quyết tình trạng dịch xảy ra trên đàn chó; tăng cường các biện pháp để quản lý đàn chó nhằm giảm thiểu số người bị chó dại cắn. Giao Sở Tài chính cân đối ngân sách, bổ sung kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh dại.
Tiêm phòng cho đàn chó theo đúng quy định sẽ góp phần hạn chế bệnh dại
Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý đàn chó, tiêm phòng đầy đủ cho đàn chó và cảnh báo sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại để người dân hiểu và chủ động đi tiêm phòng đầy đủ khi bị chó nghi dại cắn phải.
Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp liên ngành, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống bệnh dại, bố trí kịp thời kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thưc hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; có chính sách hỗ trợ tiêm vắc-xin miễn phí cho người dân thuộc hộ nghèo, chính sách, dân tộc thiểu số bị chó nghi dại cắn, đảm bảo 100% người bị cho nghi dại cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại.
Hoàng Phạm