Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2016 có 70% nhân dân tại địa bàn trọng điểm được phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật gắn trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó, tập trung vào những nội dung pháp luật liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật, phù hợp với đặc thù ở từng địa bàn. Phấn đấu và kiềm chế giảm từ 10 - 15% số người vi phạm pháp luật và số vụ vi phạm pháp luật tại địa bàn trọng điểm. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải viên cơ sở tại địa bàn trọng điểm được trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ về các lĩnh vực pháp luật liên quan.
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một trong những nội dung trọng điểm của Đề án
Phạm vi thực hiện trên cơ sở phân vùng kết hợp với quá trình theo dõi tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, những vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự, an toàn xã hội trong những năm gần đây tập trung vào các lĩnh vực chính như quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hình sự, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác, trật tự, an toàn giao thông.
Tại cấp tỉnh, năm 2014 chọn phường Dĩ An (thị xã Dĩ An), phường Thới Hoà (thị xã Bến Cát) chỉ đạo điểm. Năm 2015 và 2016, triển khai ở tất các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại cấp huyện, tuỳ theo điều kiện của địa phương, UBND cấp huyện chọn, triển khai xây dựng chỉ đạo điểm 02 đơn vị cấp xã có nhiều vi phạm pháp luật. Riêng huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên không thực hiện chỉ đạo điểm, sẽ triển khai, thực hiện ở giai đoạn 2 (từ năm 2015 đến hết năm 2016).
Giao Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch. Định kỳ hàng năm, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Tư pháp.
Hoàng Phạm