Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các sở, ban, ngành, các trường học và các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Dành không gian phát triển các khu công nghệ thông tin
Xác định phát triển công nghiệp công nghệ số và công nghiệp bán dẫn là yêu cầu tất yếu để duy trì đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, Bình Dương đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Trong đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 đã dành không gian phát triển cho các khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung và đổi mới sáng tạo. Nổi bật là Công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 220 hecta, bao gồm Khu CNTT tập trung Bình Dương có quy mô 15,47 hecta vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giữ vai trò đầu não trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp công nghệ số.
Năm 2025, tỉnh đã thu hút thành công đầu tư từ Trường Đại học FPT, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc hình thành và phát triển chuỗi công nghệ số của Tập đoàn FPT trên địa bàn tỉnh. Tập đoàn CT Group đã khởi công giai đoạn 2 của dự án lắp đặt dây chuyền sản xuất tại Nhà máy chip bán dẫn CT Semiconductor, được xem là bước đi đầu tiên, đặt nền móng để Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.
Về nguồn nhân lực, năm 2024, toàn tỉnh đã đào tạo gần 6.000 sinh viên ngành CNTT và các ngành liên quan như điện tử, tự động hóa, khoa học dữ liệu.
Đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên sâu trong lĩnh vực bán dẫn, các trường đại học trên địa bàn tỉnh đang triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch và thiết kế chip.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
Tỉnh đầu tư, phát triển các phòng thực hành thí nghiệm công nghệ (FabLabs/TechLabs) ở các trường đại học, cao đẳng nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trên cơ sở đổi mới sáng tạo.
Về chính sách, đã ban hành 04 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 02 Quyết định của UBND tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, bao gồm chính sách cụ thể để hỗ trợ và đầu tư.
Về cơ chế chi cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, công tác phát triển KHCN đòi hỏi phải có quá trình đầu tư lâu dài. Hiện đang có nguồn quỹ khá lớn dành cho hoạt động này. Tuy nhiên, hoạt động chi cho các khoản đầu tư về KHCN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để tạo điều kiện cho các hoạt động KHCN phát triển, cần có chính sách hỗ trợ trong các hoạt động chi cho KHCN.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC phát biểu tại buổi làm việc
Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh, Bình Dương có nguồn thu ngân sách lớn, đứng thứ 3 cả nước. Tuy nhiên thời gian qua, ngân sách tỉnh chi cho lĩnh vực phát triển KHCN còn khá thấp, nguyên nhân do vướng mắc về các quy định cơ chế chi cho KHCN. Do đó, cần có các chính sách ưu đãi về công nghiệp công nghệ số.
Kiến nghị chính sách ưu đãi công nghiệp công nghệ số
Qua khảo sát thực tế, Đoàn công tác Bộ KHCN đánh giá, quy mô đầu tư KHCN của Bình Dương hiện còn quá thấp so với quy mô kinh tế, tiềm năng của tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Lịch – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho biết, để giải quyết những vướng mắc về chính sách cho công nghiệp công nghệ số, Nghị quyết số 57/NQ-TW của Trung ương có cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số; thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư hạ tầng, đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Cụ thể, có cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; cơ chế đặc biệt ưu đãi đầu tư với sản phẩm công nghệ số trọng điểm, bán dẫn, AI HPC, Khu công nghệ số tập trung. Do đó, ông hy vọng với chính sách ưu đãi công nghiệp công nghệ số, Bình Dương có thể đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ số trong tương lai.
Ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại buổi làm việc
Để đẩy mạnh công tác phát triển công nghiệp công nghệ số của Bình Dương trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Hoàng Phương đề nghị, Bình Dương cần tập trung nguồn lực vào xây dựng Khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, cần liên hệ chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc đăng ký danh sách nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo của Trung ương và tham mưu Chính phủ trong việc giao nguồn lực cho địa phương để thực hiện các nhiệm vụ mang tầm quốc gia. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra định kỳ trong việc giao nhiệm vụ, giao đề tài, giao ngân sách để đảm bảo công tác nghiên cứu và phát triển KHCN đạt hiệu quả.
Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, Bình Dương sẽ phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW.
Trọng tâm là đưa Khu CNTT tập trung đi vào hoạt động, hình thành Công viên KHCN, khởi công Khu Tổ hợp giáo dục - đào tạo; tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số; cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương phù hợp với thực tiễn của tỉnh, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí dành cho chuyển đổi số; tập trung triển khai phát triển hạ tầng số đồng bộ và toàn diện; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số; xây dựng và vận hành kho dữ liệu dùng chung; triển khai đầy đủ phương án bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ; phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình, ứng dụng AI và dữ liệu lớn; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp tục hoàn thiện đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số.
Để Kế hoạch được nhanh chóng triển khai mang lại hiệu quả như kỳ vọng, tỉnh đề xuất Trung ương cần có chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực năng lượng sạch; có cơ chế không ràng buộc về diện tích lấp đầy đối với các khu CNTT; cho phép hình thành hệ sinh thái ở trong các khu công nghiệp công nghệ số; sớm ban hành quy hoạch khung dữ liệu quốc gia;…