Cùng tham dự có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.
Hội nghị được trực tuyến đến 93 điểm cầu tại các địa phương trên toàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo, những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trận mưa to đến rất to trên diện rộng, kèm dông lốc, tập trung trong thời gian ngắn, gây thiệt hại về người và nhiều tài sản, sản xuất nông nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 trận thiên tai làm 02 người chết do nước cuốn trôi (tại TP. Tân Uyên và TP. Dĩ An); 04 người bị thương nhẹ do cây đổ vào nhà; 25 căn nhà tốc mái, hư hỏng; ngập 05 phòng học, hư hỏng 04 nhà màng trồng dưa lưới; thiệt hại 91,25 hecta lúa, 6,62 hecta hoa màu, gãy đổ 0,4 hecta cây cao su đang khai thác… Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản gần 2,2 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, sở ngành đã báo cáo công tác phòng, chống mưa bão tại địa phương; đồng thời kiến nghị đề xuất những giải pháp ứng phó để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra đối với hệ thống thoát nước, cũng như các công trình tiêu thoát nước, cầu đường đang thi công xây dựng để tránh ngập lụt khi mưa bão diễn ra.
Ông Mai Hùng Dũng - Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội
nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, mặc dù Bình Dương không là vùng tâm bão, nhưng trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải có kế hoạch ứng phó kịp thời, tránh những tai nạn thương vong do bão lụt gây ra, nhất là những nơi ngập lụt cục bộ, gây nguy hiểm cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ bản thân cho người người dân ở những vùng ngập lụt nguy hiểm.
Chủ đầu tư các công trình tiêu thoát nước, xây dựng cầu, đường đang thi công phải phối hợp với địa phương khai thông dòng chảy; túc trực 24/24 để kịp thời ứng phó khi sự cố xảy ra; phải có biển báo tại khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, tuyệt đối không để người dân, phương tiện lưu thông vào những điểm hay xảy ra ngập, nước chảy xiết khi mưa bão diễn ra.
Các địa phương phải có giải pháp bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của người dân trong mùa mưa bão; đồng thời, hỗ trợ, khắc phục kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng do mưa bão gây ra…