Theo đó,
phong trào “Bình dân học AI” sẽ thí điểm dành cho công
chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số của một số sở, ngành; Phòng Giáo dục
và Đào tạo các huyện, thành phố; giáo viên các trường THPT trên địa bàn
tỉnh Bình Dương; các tình nguyện viên của Đội,
Tổ, Nhóm thanh niên tình nguyện tham gia chuyển đổi số cộng đồng và Tổ
Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Thời gian thí điểm từ tháng 6/2024
đến hết tháng 8/2024.
Mô hình hoạt động theo phương châm
tự nguyện, các thành viên chủ động hướng dẫn, chia sẻ cho các thành viên khác
kiến thức AI, cách sử dụng các công cụ AI để làm việc tương ứng với 3 dạng
thông tin cơ bản trên Internet là hình ảnh, âm thanh và văn bản. Những tài
liệu, video phục vụ học tập được các thành viên tự xây dựng, sưu tầm, thuyết
trình, chia sẻ đến các thành viên tham gia trên nhóm.
Toàn cảnh Lễ phát động thí điểm phong trào "Bình dân học AI"
Nội dung học tập bao gồm: Tổng quan
về AI; các công cụ AI xử lý văn bản, xử lý hình ảnh, xử lý âm thanh; xây dựng
nội dung bán hàng online; xây dựng video clip giới thiệu sản phẩm đa ngôn ngữ với
AI; ứng dụng AI để chạy quảng cáo tới người nước ngoài; vẽ tranh, trang trí nhà
cửa, văn phòng với AI; sử dụng AI để phân tích dữ liệu kinh doanh; viết các văn
bản, giấy tờ, tài liệu với AI.
Phấn đấu số lượng tham gia học tối
thiểu 100 người; mở 10 lớp; xây dựng/chia sẻ khoảng 10 video clip. Hình thức tham gia online; thời gian tổ
chức lớp học (dự kiến) 1 buổi/tuần, từ 20 giờ đến 22 giờ.
Phát biểu
tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho
biết, mục tiêu của phong trào “Bình dân học AI” là khuyến khích mọi người tham
gia nâng cao trình độ bằng cách vừa học vừa chia sẻ thường xuyên với những
người khác về AI và phong trào được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn
tỉnh, giúp phổ biến kiến thức về điều khiển các dạng AI hiện đại cho thật nhiều
người dân Bình Dương.
Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Lễ phát động
Để đạt được
mục tiêu lớn này, cần thí điểm để từ đó rút kinh nghiệm trước khi tham mưu cho UBND
tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó hướng tới
việc thúc đẩy việc tự học với AI và chia sẻ kiến thức cho nhiều người dân; giúp
hình thành nhiều kỹ năng số, kỹ năng lao động mới cho mọi người; giúp các cơ
quan, tổ chức chuyển đổi số nắm được nhiều cách làm mới; giúp doanh nghiệp mở
rộng kinh doanh tới các thị trường mới dễ dàng; góp phần xây dựng các mô hình
kinh tế hộ cá thể kiểu mới, dưới sự trợ giúp của AI; giúp người làm việc tăng
hiệu quả, năng suất lao động, gia tăng thu nhập theo các phương pháp lao động
kiểu mới (trí tuệ con người kết hợp trí tuệ nhân tạo).
Để đạt được mục tiêu nêu
trên, các hoạt động cần được thực hiện thường xuyên liên tục, lực lượng nòng cốt phải là những người tâm huyết,
tích cực, phong trào phải luôn được hỗ trợ, quan tâm thúc đẩy từ phía cơ quan
quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương.
Với sự phát triển và
những hiệu quả mà AI đem lại, ông Nguyễn Hữu Yên khuyến khích, mỗi người nên và
cần học cách sử dụng AI để nhận diện và chấp nhận vai trò của “AI tạo sinh”
trong xã hội hiện đại, trang bị cho người dân sự hiểu biết và tư duy đúng đắn
đối với AI, tận dụng lợi ích của AI mà không mất đi sự độc đáo và giá trị của
con người trong thế giới số hóa.
Học viên tham dự Chương trình học “Bình dân học AI”
Sau lễ phát động, Ban tổ
chức đã khai giảng chương trình học “Bình dân học AI” với gần 100
học viên tham gia trực tiếp và trực tuyến.