Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bình Dương. Thủ tướng nhận định, khi có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Bình Dương đã xử lý và kiểm soát tốt dù là địa bàn có đông người lao động, công nhân sinh sống và làm việc, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân.
Từ ngày 31/01/2021 đến ngày 06/02/2021, Bình Dương phát hiện 06 trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại huyện Phú Giáo, TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An. Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị đã tập trung tối đa lực lượng cho công tác truy vết, khoanh vùng, phong tỏa, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng và nỗ lực kiểm soát, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Tính đến ngày 16/3/2021, tỉnh Bình Dương đã trải qua 36 ngày không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tích lũy đến nay, Bình Dương có 41 ca mắc Covid-19, trong đó có 29 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 06 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 06 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 các đối tượng có nguy cơ cao như công nhân, chuyên gia Nhật Bản, đối tượng tại bến xe, các trạm dừng đỗ, chợ, siêu thị. Kết quả, tất cả các mẫu xét nghiệm đã lấy đều âm tính.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà cho biết, Bình Dương đã tiếp nhận 1.700 liều vắc xin từ Bộ Y tế và đang xây dựng kế hoạch tiêm ngừa. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc 06 nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả), thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách), tiêm vắc xin, lấy mẫu sàng lọc trong cộng đồng, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, triển khai tốt các chỉ đạo của Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà phát biểu tại hội nghị
Hội nghị cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo kết quả phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Tính đến ngày 16/3/2021, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 trường hợp đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%); hơn 16.000 người là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch đã được tiêm ngừa vắc xin. Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung vắc xin. Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để bảo đảm nguồn cung, an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao. Bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép. Trong năm 2021, tiêm chủng vắc xin được triển khai rất khẩn trương nhưng cuộc chiến chống đại dịch chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của vi rút đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Do đó, Bộ Y tế kiến nghị, tiếp tục kiên định 06 nguyên tắc phòng, chống dịch đã đề ra từ đầu; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các Tổ Covid-19 cộng đồng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.