Thông tin tuyên truyền
Thứ 4, Ngày 22/11/2017, 18:00
Bình Dương thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
22/11/2017 | Mai Xuân

TTĐT - UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương. Việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ thực hiện chương trình hành động của Đề án, trong đó có việc mở các phòng thí nghiệm chế tạo và phòng thí nghiệm công nghệ, thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp.

Mô hình cần thiết trong xu thế hiện nay

Thực tế cho thấy, trong những năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh (gọi chung là Startups) bùng nổ trên toàn cầu. Các tập đoàn khổng lồ mà hàng ngày chúng ta hay nhắc đến như Google, Facebook, Apple...chính là những Startups khởi nghiệp thành công. Theo kết quả công bố của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, chỉ với 3 Startups này đã tạo ra 1.500 tỷ đô la Mỹ giá trị vốn hóa thị trường và sử dụng hàng ngàn lao động trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam đã hình thành khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Chỉ tính riêng ở TP.Hồ Chí Minh đã có 20 vườn ươm thuộc các đơn vị nhà nước, tư nhân và các trường đại học. Đáng chú ý là mô hình Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (SIHUB), nơi kết nối và hỗ trợ tất cả các vườn ươm trong toàn thành phố. Tại Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn theo cơ chế đối tác công tư, bước đầu cho thấy hiệu quả đáng khích lệ.

 

Hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam đanh trở nên sôi động. Ảnh: Tuổi trẻ Bình Dương năng động khởi nghiệp - Thanh Lê

Bình Dương có công nghiệp phát triển nhanh, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; là vùng đất tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài; cơ cấu dân số trẻ, có 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 45 trung tâm và cơ sở dạy nghề; hạ tầng viễn thông phát triển mạnh; nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với TP.Hồ Chí Minh – trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất cả nước. Tuy nhiên, kinh tế Bình Dương vẫn còn phải dựa vào sản xuất truyền thống, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chú ý đến việc đào tạo cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho cán bộ, công chức của Sở được phân công nhiệm vụ có liên quan, được UBND tỉnh cho phép tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp ĐMST cho đối tượng là cán bộ, công chức của các sở, ngành có liên quan và cán bộ của một số trường đại học trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt và chỉ đạo tập trung nguồn lực thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Một trong những nhiệm vụ của Đề án là hình thành các phòng thí nghiệm chế tạo và phòng thí nghiệm công nghệ, thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp. Song, đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ này vẫn chưa được triển khai đồng bộ và cần phải có một trung tâm để quản lý và kết nối hoạt động của hệ sinh thái phục vụ cộng đồng sáng tạo này.

Trao đổi về vấn đề này, theo TS.Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, từ thực tiễn tiếp cận nhiệm vụ và học tập kinh nghiệm, Sở nhận thấy việc đầu tư một cơ sở hạ tầng để những thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST gặp gỡ, kết nối, tạo không gian thu hút sáng kiến cộng đồng là rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc giúp hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương, là một yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển thành phố thông minh Bình Dương theo nhiệm vụ đã được phê duyệt.

Phát triển và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp

Tại Chương trình Giao lưu và kết nối khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên tỉnh Bình Dương vừa qua, các chuyên gia nghiên cứu về khởi nghiệp cho rằng, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, các cá nhân, nhóm cá nhân sẽ có nhu cầu cao về không gian và các dịch vụ hỗ trợ khác để tìm hiểu, nghiên cứu, phát triển ý tưởng của mình, để trao đổi làm việc cùng nhau. Các bạn sinh viên trong các trường thường tận dụng một số phòng học trống; đội ngũ lao động đang làm việc trong các công ty có khát vọng tách ra thành lập doanh nghiệp của riêng mình hoặc đối với các cá nhân khác, giải pháp họ thường chọn là tìm một quán cà phê có Internet. Tuy nhiên, những môi trường này chưa thực sự phù hợp để hỗ trợ tốt nhất cho nghiên cứu và phát triển ý tưởng vì tự bản thân các cá nhân này không thể phát triển một cách độc lập, họ cần một môi trường làm việc chuyên nghiệp, họ cần được tạo điều kiện để sử dụng máy móc, thiết bị, công cụ trong việc tạo ra sản phẩm thử nghiệm, họ cần sự cố vấn từ các chuyên gia khi gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ tài chính, tìm kiếm nhà đầu tư, đưa sản phẩm ra thị trường...

Trước thực trạng này, theo Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương sẽ hỗ trợ đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái là điều vô cùng cần thiết. Các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn thế giới chủ yếu do nhà nước hình thành và phát triển vì tự bản thân các thành phần của hệ sinh thái sẽ không liên kết với nhau nếu không có vai trò kết nối của các Trung tâm.

Trung tâm sẽ đóng vai trò khởi xướng, là chủ thể kết nối, giai đoạn đầu sẽ tập trung vào các chương trình đào tạo khởi nghiệp, từ đó thúc đẩy hình thành câu lạc bộ khởi nghiệp, mạng lưới vườn ươm tại các trường đại học; tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Trung tâm sẽ kết nối, phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm, thực nghiệm và chế tạo (Fablab/Techlabs) góp phần hình thành một cộng đồng sáng tạo; là nơi nghiên cứu, thử nghiệm các sáng kiến cộng đồng, là nơi khởi xướng và phát triển các thử nghiệm thực tế (Living lab) để phục vụ triển khai hiệu quả Đề án Thành phố thông minh Bình Dương.

 

Phòng thí nghiệm chiếu sáng hiện đại tại trường Đại học Quốc tế miền Đông phục vụ nhu cầu nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên

Trung tâm cũng sẽ tập trung vào các chương trình đào tạo các kỹ năng về các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (giáo dục STEM) nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Thường xuyên tổ chức các hoạt động và sự kiện nhằm thu hút và kêu gọi sự quan tâm của các đối tác khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp lớn trong khu vực và trong cả nước,…tăng cường mối quan hệ hợp tác công tư, thúc đẩy hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương. Trung tâm chính là một mắt xích quan trọng trong việc lan tỏa định hướng phát triển chung trong toàn tỉnh về phát triển cũng như kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Bình Dương với các hệ sinh thái trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh việc hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững tại Bình Dương, Trung tâm còn góp phần tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Trường học) theo định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương hiện nay.

TS.Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm, mô hình dự kiến của Trung tâm sẽ được xây dựng trên cơ sở tham khảo, rút kinh nghiệm thực tiễn từ những mô hình có tính tương đồng đã được triển khai trong cả nước trong thời gian qua như: Sài Gòn Innovation Hub (SIHUB) – TP.Hồ Chí Minh và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) – TP.Đà Nẵng. Việc lựa chọn mô hình hiệu quả cho Bình Dương cần tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và các cơ quan quản lý cấp tỉnh có liên quan qua tọa đàm chuyên gia. Sau đó Sở sẽ nghiên cứu xây dựng các phương án chi tiết phù hợp và sớm đề xuất UBND tỉnh phê duyệt. Định hướng phát triển của Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương là tăng cường kết nối trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ theo mô hình ba nhà và là cầu nối chủ đạo trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính đặc thù của tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ là nơi kết nối các vườn ươm doanh nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp, các Fablab, Techlab trên toàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo TS. Nguyễn Quốc Cường, cần sự hỗ trợ từ thành phố Eindhoven (Hà Lan) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, tạo ra các doanh nghiệp tri thức và doanh nghiệp khoa học công nghệ bằng cách học hỏi những kinh nghiệm, những khó khăn mà Eindhoven đã trải qua trong quá trình phát triển. Tư vấn về chính sách pháp lý và quản lý vận hành; tập huấn kỹ năng cho đội ngũ nhân lực; chia sẻ ý tưởng tổ chức các chương trình và các khóa đào tạo cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Eindhoven để Bình Dương có thể xây dựng, quản lý, điều hành hoạt động, thúc đẩy khởi nghiệp một cách có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng hy vọng Eindhoven sẽ chia sẻ kinh nghiệm vận hành và hoạt động của các Fablab, Techlabs; phát triển các mô hình giáo dục đào tạo kỹ năng về các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) tại các trung tâm và các trường.

Lượt người xem:  Views:   2410
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Time)

Tác giả

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Phân loại

Loại bài viết

Audio

Tin liên quan

Từ khóa

FriendlyName

Tin nổi bật

Email

Từ khóa

Hệ số ảnh

Hệ số lương cơ sở

Hệ số tin

LuongCoSo

Tiền nhuận bút

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Thông tin tuyên truyền