Thực hiện các giải pháp chiến lược
Xây dựng Bình Dương thành thành phố văn minh, giàu đẹp; đồng thời từng bước xây dựng thành phố mới Bình Dương gắn với đề án "Thành phố thông minh" chính là mục tiêu mà Bình Dương đã đề ra trong phát triển đô thị tỉnh nhà đến năm 2020. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bình Dương đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, về phát triển đô thị, tỉnh tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung và xây dựng giải pháp để thu hút đầu tư lấp đầy Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị, trong đó ưu tiên các dự án thương mại - dịch vụ nhằm thu hút người dân đến sinh sống và làm việc tại khu đô thị mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định một số khu vực ưu tiên cải tạo, chỉnh trang gắn với phát triển các dự án đô thị tại những đô thị cũ trên địa bàn toàn tỉnh để có kế hoạch đầu tư, thu hút đầu tư; cùng với đó từng bước xây dựng thành phố mới Bình Dương gắn với đề án "Thành phố thông minh".
Hạ tầng giao thông không ngừng được hoàn thiện đồng bộ và hiện đại. Ảnh: đường Phạm Ngọc Thạch
Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến huyện Bàu Bàng để tạo sự kết nối với các đô thị phía Bắc của tỉnh; cùng với đó triển khai dự án tuyến xe buýt nhanh; đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong từng đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư đối với các dự án công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng thêm nguồn đầu tư góp phần nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, y tế, nhất là đầu tư các cơ sở dịch vụ chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn hóa và văn minh đô thị, phát huy dân chủ và nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trong phát triển đô thị, Bình Dương lấy khu đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân của TP.Thủ Dầu Một làm trung tâm, cùng với đó hỗ trợ phát triển các đô thị vệ tinh trong vùng, góp phần bảo đảm phát triển hài hòa giữa các đô thị nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng sống của các tầng lớp nhân dân. Về xây dựng các đô thị mới và các tiêu chí theo hướng văn minh, hiện đại, tỉnh dành nhiều quỹ đất cho xây dựng công tình phúc lợi công cộng, không gian xanh đô thị và công trình hạ tầng kỹ thuật khung; bên cạnh đó từng bước hình thành các trung tâm tổng hợp chuyên ngành về sản xuất, thương mại - dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa - thể dục thể thao có quy mô cấp khu vực. Địa phương cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình bảo đảm cho việc nâng cấp đô thị Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Bên cạnh đó, nhằm cải tạo và chỉnh trang đô thị, Bình Dương xây dựng và phát triển nhiều loại hình nhà ở như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ký túc xá sinh viên... Tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị; song song đó sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối với hệ thống giao thông quốc gia.
Xây dựng thành phố đáng sống
Theo Quyết định số 893/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 06 năm 2014 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung đến năm 2025 có mục tiêu tổng quát:"Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh...". Với mục tiêu đó thì đô thị Bình Dương phải được xây dựng theo hướng đô thị mới, văn minh, hiện đại, đô thị xanh. Là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh để đô thị thực sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho các tiểu vùng khác. Để triển khai thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra, theo ông Nguyễn Thành Tài – Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm như tập trung phát triển hệ thống đô thị Bình Dương, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cùng với đó nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý đô thị. Tỉnh cũng sẽ huy động các nguồn lực thực hiện, triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, với xu thế phát triển tất yếu của các nước phát triển trên thế giới, Bình Dương đang tập trung triển khai thực hiện các bước xây dựng thành phố thông minh. Để xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn cho người dân; hàng hóa, thông tin và tri thức cũng dồi dào, phong phú và chất lượng hơn để thu hút cư dân mới, lao động tri thức, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm việc và sinh sống. Trong thời gian ngắn hạn, Bình Dương sẽ cải thiện kết nối với TP.Hồ Chí Minh bằng đường bộ, đường thủy và phương tiện giao thông công cộng. Đường thủy nội địa, cảng sông, trung tâm thương mại đầu mối cảng cạn có thể xem là giải pháp hữu hiệu của Bình Dương nhằm tận dụng lợi thế từ sông Đồng Nai như một phần trong hạ tầng khu vực để kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành, giảm giá thành vận chuyển hàng hóa và giảm sức ép lên hệ thống đường bộ.
Xe buýt nhanh kết nối các đô thị của tỉnh Bình Dương
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ thực hiện giao thông công cộng kết nối vùng và các tỉnh, thành bằng xe buýt nhanh. Trước mắt, có thể xây dựng tuyến xe buýt nhanh kết nối giữa các đô thị chính của Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh nhằm phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, đồng thời giảm ô nhiễm, ùn tắc giao thông, chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng quan tâm mở rộng hệ thống giao thông công cộng trong đô thị và các địa điểm khác trong khu vực Bình Dương; lắp đặt mạng lưới wifi công cộng.
Bên cạnh việc tạo ra cơ sở hạ tầng tốt, để xây dựng thành công dự án "Thành phố thông minh", việc tạo ra một môi trường sống cuốn hút là một trong những chương trình hành động quan trọng của dự án. Trong đó, vấn đề đầu tư và thúc đẩy phát triển đô thị xanh được tỉnh nhà rất chú trọng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC, để thực thi được các yếu tố cơ sở hạ tầng như nói trên có hiệu quả, cần có nguồn vốn từ ngân sách địa phương và có thể cả Trung ương, cũng như cần huy động nhiều nguồn lực khác trong xã hội. Một khi Bình Dương lần lượt thực hiện hiệu quả các hành động cụ thể như đã nói trên, Bình Dương hoàn toàn có thể mở ra một trang mới về kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu mới, tất yếu của người dân và doanh nghiệp và tiến lên một nền dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao. Từ đó, Bình Dương dần hướng tới trở thành một thành phố đáng sống và từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài là "Vùng kinh tế thông minh Bình Dương tự hào của Việt Nam, danh tiếng toàn cầu".