Thông tin tuyên truyền
Thứ 3, Ngày 16/10/2012, 05:10
TTĐT - Theo Quyết định số 42/2012/QĐ – UBND vừa được UBND tỉnh Bình Dương ban hành, bắt đầu từ ngày 01/01/2013, giá viện phí mới chính thức được áp dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, mức tăng lần này được điều chỉnh tăng bằng 70,89% so với mức trần quy định của liên Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, tăng tương đương khoảng 03 lần so với mức giá thu một phần viện phí cũ.
Áp dụng đối với 660 dịch vụ
Mức thu viện phí hiện nay đang áp dụng đã quá lạc hậu so với yêu cầu phát triển cũng như mặt bằng giá cả thị trường không ngừng tăng lên. Mặt khác, nhiều kỹ thuật cao, hiện đại được ứng dụng vào điều trị bệnh, đòi hỏi chi phí cao, trong khi giá cũ chỉ xây dựng trên những kỹ thuật thủ công. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá lần này là cần thiết để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Mức giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh mới được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 09/10/2012 theo đánh giá chung là khá hợp lý, bằng 70,89% so với khung giá trần, tăng ở mức trung bình và thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác.
Trong tổng số 660 dịch vụ y tế đang thực hiện tại các cơ sở y tế được UBND tỉnh điều chỉnh giá gồm có: 420 loại dịch vụ và 240 loại phẫu thuật được liên Bộ Y tế - Tài chính quy định điều chỉnh giá, trong đó, giá dịch vụ khám bệnh bình quân bằng 72,2%, tăng 03 lần so với giá hiện nay, bao gồm: giá khám sức khỏe, khám cấp giấy chứng thương mức đề nghị bình quân từ 55-65%, tăng từ 1,5 – 1,8 lần; giá dịch vụ ngày giường bệnh được xác định theo hạng bệnh viện và các chuyên khoa với mức bình quân bằng 74,43%, tăng 06 lần; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm bình quân bằng 77,44%, tăng 02 lần; trong 377 dịch vụ có 22 loại dịch vụ với mức giá không thay đổi và 20 loại dịch vụ mức giá thấp hơn. Đối với 240 loại dịch vụ phẫu thuật, mức thu bình quân bằng 68,09%, trong đó có 15 loại dịch vụ đang thực hiện với mức tăng bình quân khoảng 02 lần và có 225 loại dịch vụ được bổ sung theo Thông tư 04.
Cụ thể, tại Bình Dương, hiện tại giá dịch vụ khám bệnh ở bệnh viện hạng II là 3.000 đồng, hạng III là 2.000 đồng và 1.000 đồng ở bệnh viện huyện, phòng khám khu vực, nay được điều chỉnh tăng: hạng I: 15.000 đồng, hạng II: 11.000 đồng, hạng III: 8.000 đồng, hạng IV: 5.000 đồng, trạm y tế xã: 4.000 đồng.
Giá giường bệnh (tính theo ngày) hồi sức cấp cứu hiện nay ở Bình Dương là 12.000 đồng đối với bệnh viện hạng II, 9.000 đồng đối với bệnh viện hạng III, 6.000 đồng đối với bệnh viện huyện và phòng khám khu vực, nay được áp dụng theo mức 112.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng II: 75.000 đồng, hạng III: 53.000 đồng; giá giường bệnh điều trị tại các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, thần kinh, tim mạch, ung thư, tiêu hoá,… tại bệnh viện hạng I,II,III lần lượt là 60.000, 49.000 và 30.000 đồng/ngày; giá giường bệnh tại các khoa: cơ xương, sản, ngoại, răng hàm mặt, tai mũi họng… là 53.000 (bệnh viện hạng I), 38.000 (bệnh viện hạng II) và 26.000 đồng (bệnh viện hạng III). Khung giá này được tính cho 01 người bệnh/giường, nếu nằm ghép 02 người/giường, bệnh nhân chỉ phải trả 50% và 30% với trường hợp nằm ghép 03 người/giường.

Từ ngày 01/01/2013, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương chính thức áp dụng khung giá khám, chữa bệnh mới
Người dân nên tham gia BHYT
Giá điều chỉnh một số dịch vụ y tế mới gần như chỉ áp dụng cho khám bảo hiểm y tế (BHYT). Người tham gia BHYT sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí tái đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường máy móc, trang thiết bị hiện đại, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật chuyên sâu... Khi viện phí tăng, BHYT sẽ thanh toán với mức cao hơn, đầy đủ các chi phí của dịch vụ nên người tham gia BHYT chỉ phải chi trả các khoản theo luật quy định (cùng chi trả 05% hoặc 20% tuỳ đối tượng) và không còn phải đóng thêm các khoản mà trước đây do giá viện phí thấp, bệnh viện phải thu thêm phần quỹ bảo hiểm không thanh toán. Vì vậy, người tham gia BHYT sẽ được hưởng và tăng quyền lợi khi khám và điều trị bệnh.
Giá viện phí tăng đồng nghĩa với việc chi phí thanh toán BHYT cũng tăng lên, việc cân đối quỹ BHYT bước đầu ít nhiều có ảnh hưởng, nguy cơ vượt quỹ là rất lớn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hạn chế quyền lợi của người tham gia BHYT.
Đợt tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh lần này ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, nhất là người nghèo và người chưa tham gia BHYT. Về vấn đề này, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đối tượng cận nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để giảm chi phí đồng chi trả. Người nghèo điều trị nội trú cần được hỗ trợ một phần tiền ăn và tiền vận chuyển đi lại. Người có bệnh nan y, bệnh mạn tính cần được hỗ trợ chi phí điều trị.
Với mức viện phí mới được điều chỉnh tăng thì giải pháp cho mỗi người bệnh là nên tham gia BHYT để được giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh, từng bước thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014.
Mai Xuân
Lượt người xem: Views:
435
Tin khác
Bài viết:
Từ ngày 01/01/2013: Hơn 600 dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng giá
Ngày pháp luật - Phổ biến pháp luật
|