Vi-rút gây bệnh TCM có thể tồn tại trong cơ thể một vài tuần sau khi hết các triệu chứng của bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sau khi đã phục hồi sức khỏe trong thời gian đầu vẫn có thể làm lây truyền bệnh cho người khác và vẫn có thể mắc lại bệnh.
Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh bằng vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh TCM như sau:
1. Người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi thay tã lót, đi vệ sinh.
Rửa tay thường xuyên sẽ hạn chế lây bệnh TCM
2. Người bệnh nên đeo khẩu tranh hoặc che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
3. Các gia đình, trường mầm non, nhà mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày và giữ vệ các khu vực xung quanh.
4. Không nên đưa trẻ đến các khu vực như trường mầm non, nhà mẫu giáo, chăm sóc trẻ nếu các khu vực này đã bị nhiễm bệnh.
5. Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát.
6. Tránh tiếp xúc gần (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng trong nhà) với người đã bị mắc bệnh.
7. Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.
Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi có các triệu chứng của bệnh TCM
8. Các nhà trẻ, mẫu giáo phải có các khu vực rửa tay bằng xà phòng, có khu vực xử lý chất thải theo quy định.