Xe đạp điện
Luật GTBĐ 2008 có 8 chương và 89 điều, so với luật GTĐB 2001, chỉ có 3 điều được giữ nguyên nội dung, còn lại 68 điều được bổ sung, sửa đổi (chiếm 76,4%) và 18 điều hoàn toàn mới (chiếm 20,23%).
Các điểm mới của Luật GTĐB 2008 tập trung vào điều chỉnh mạnh đến các hành vi của người tham gia giao thông theo hướng giảm các nguy cơ mất ATGT. Trong đó, nội dung đáng chú ý là người điều khiển phương tiện xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tuyệt đối không được sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Với người điều khiển xe gắn máy, mô tô thì được phép có không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở (điều 8, chương I).
Các đối tượng gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô, máy kéo, xe chuyên dùng có tốc độ nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc. Trẻ em từ 14 tuổi trở lên không được chở thêm trên xe gắn máy, trẻ từ 7 tuổi trở lên không được chở thêm trên xe đạp (ngoài 2 người lớn) (Chương 2), ... Đặc biệt, không chỉ người đi xe mô tô, xe gắn máy mà cả người đi xe đạp máy (xe đạp điện)cũng bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Mặc dù theo quy định tại điều 3, chương 2, xe đạp máy được xếp vào loại xe thô sơ.
Về vận tải đường bộ, Luật quy định chủ kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái với quy định của luật này.
Luật GTĐB sửa đổi được Quốc hội thông qua 13-11-2008, chính thức có hiệu lực từ 1-7-2009.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cam kết, trong thời gian 4 tháng, Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật để đảm bảo luật GTĐB mới được triển khai có hiệu quả đến mọi người dân.
Minh Duy
(Theo SGGP)