Tại hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành đã trình bày
các tham luận: Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn thủ tục hành chính
(TTHC) và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tác động của Hiệp định đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP) đến doanh nghiệp và thu hút đầu tư Bình Dương trong giai
đoạn mới; thực trạng công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất trên địa bàn tỉnh,
khó khăn, vướng mắc, giải pháp, kiến nghị; tình hình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp
trong giai đoạn mới; thực trạng công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng trên
địa bàn tỉnh, khó khăn, vướng mắc, giải pháp, kiến nghị.
Các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận về thực
trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp;
các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Cục Hải quan tỉnh trao đổi, thảo luận tại hội thảo
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ
giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương, thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý
cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Sau 02
năm đi vào hoạt động, Tổ tư vấn TTHC và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp đã hỗ
trợ pháp lý cho 567 trường hợp cá nhân và doanh nghiệp, trong đó, tư vấn TTHC
421 vụ việc, trả lời vướng mắc của doanh nghiệp 50 vụ, tư vấn thuộc các lĩnh vực
pháp luật khác 96 vụ việc. Để Tổ tư vấn hoạt động đạt hiệu quả hơn nữa, theo
ông Tùng cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, xây dựng đường dây tư vấn,
cung cấp dịch vụ có thu phí theo yêu cầu...
Còn theo ông Dương Tấn Thành - Trưởng phòng Hợp tác kinh
tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, để nắm bắt cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp
định TPP các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường
kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thực thi hệ thống pháp luật tạo điều kiện
cho kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, các doanh
nghiệp phải chuyên nghiệp trong công tác quản trị doanh nghiệp, các Hiệp hội
ngành nghề cần có chương trình hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong
quá trình hội nhập để đáp ứng yêu cầu trong xu thế mới.
Bà Huỳnh Nữ
Kiều Ngân - Trưởng phòng Pháp chế phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh trình bày tham luận tại hội thảo
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, theo bà Huỳnh Nữ
Kiều Ngân - Trưởng phòng Pháp chế phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh, Bình
Dương đang thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cơ bản đã có hiệu quả.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách quản lý xã hội trong sự vận hành của nền kinh tế
thị trường còn nhiều bất cập, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức bị tha
hóa, suy thoái về đạo đức, công tác kiểm tra, thanh tra còn hạn chế dẫn đến khả
năng tình hình tham nhũng trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp. Do đó,
bà đề xuất các giải pháp tăng cường phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng ở
các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các
cơ quan, đơn vị, địa phương; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các
quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hiện tốt việc công
khai, minh bạch, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tiếp tục
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng với
những nội dung thiết thực và các hình thức phù hợp ở mọi loại hình tổ chức...
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Minh Hạnh - Phó Giám
đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý
cho doanh nghiệp, Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham
nhũng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Hội thảo nhằm đánh
giá thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác phòng, chống
tham nhũng; trao đổi, thảo luận để đề ra các giải pháp hoạt động hiệu quả đối với
công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn
hiện nay.