Tham dự có ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố; các cơ sở y tế, trường học trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch, bố trí quỹ đất đầu tư các dự án XHH
Tại Phiên giải trình, lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất để đầu tư các dự án XHH; XHH trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; việc thực hiện XHH đối với các hoạt động giữ xe, căn tin tại các cơ sở giáo dục công lập; công tác xây dựng và nâng cấp các chợ truyền thống…

Toàn cảnh Phiên giải trình
Giải trình về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất để đầu tư các dự án XHH, ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thuộc trách nhiệm của địa phương. Quá trình triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, UBND cấp huyện đã chú trọng dành quỹ đất cho lĩnh vực XHH.
Tuy nhiên công tác dự báo chưa tính toán được đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực để đưa vào quy hoạch hoặc chưa bố trí cụ thể vị trí, diện tích đất cho từng lĩnh vực XHH. Điều này dẫn đến việc một số khu đất được các cơ quan chuyên ngành hoặc chính quyền địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư thực hiện dự án XHH nhưng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, do các nhà đầu tư đề xuất sau thời điểm quy hoạch được phê duyệt.
Ngày 08/5/2024, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho UBND cấp huyện lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của cấp huyện. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp với sở, ngành quản lý các lĩnh vực XHH cùng quan tâm, sâu sát trong việc chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng quỹ đất, xác định rõ nhu cầu sử dụng đất của các lĩnh vực để triển khai lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mang tính khả thi hơn, nhất là sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt; tổ chức công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (trong đó có từng lĩnh vực XHH) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức biết và thực hiện.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 (dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024) quy định việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích; trong đó, cho phép đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh, gồm: Đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... Qua đó sẽ tháo gỡ những vướng mắc thực tế đang gặp phải liên quan đến đất đai trong công tác XHH.

Ông Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình về việc triển khai các chính sách XHH
Ông Lai Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, Bình Dương có 43 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức XHH, trong đó 05 dự án y tế, 20 dự án giáo dục, 14 dự án thể thao và 04 dự án môi trường. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các thủ tục đầu tư XHH, Sở thực hiện công bố công khai các thủ tục hành chính về XHH. Khi xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các địa phương, đảm bảo bố trí quỹ đất dành cho các dự án XHH, trong đó chú trọng quỹ đất các dự án XHH tại các khu đô thị và khu, cụm công nghiệp. Công bố, công khai quy trình, thủ tục giải quyết việc giao đất, cho thuê đất đối với các cơ sở thực hiện XHH theo quy định.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong XHH giáo dục, y tế
Việc thực hiện XHH trong tổ chức các hoạt động giữ xe, căn tin tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp những vướng mắc về pháp lý. Bà Trương Hải Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Do vậy, không đủ điều kiện để sử dụng tài sản công gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Vì thế các cơ sở giáo dục phải chấm dứt việc cho thuê bán căn tin, nhà giữ xe phục vụ nhu cầu cho học sinh khi chưa có đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bà Trương Hải Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình vướng mắc trong XHH căn tin, nhà xe tại các cơ sở giáo dục
Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc không thể cho thuê bán căn tin, nhà giữ xe dễ dẫn đến tình trạng học sinh mua các thực phẩm bên ngoài cổng trường không kiểm soát được an toàn thực phẩm, dễ gây ra ngộ độc thực phẩm và mất an ninh, trật tự trước cổng trường.
Tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc trên. Trong khi chờ cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nội dung vướng mắc, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất tiếp tục cho các cơ sở giáo dục được hợp đồng với các tổ chức hoặc cá nhân bán căn tin phục vụ nhu cầu cho học sinh, đồng thời nộp toàn bộ khoản thu này vào ngân sách Nhà nước. Chấp thuận chủ trương cho các cơ sở giáo dục được lắp đặt máy bán hàng tự động, góp phần đa dạng hóa lựa chọn mua bán phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế trình bày vướng mắc về Giấy phép môi trường đối với các cơ sở y tế
Đối với lĩnh vực Y tế, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên địa bàn tỉnh có 105 bệnh viện, phòng khám đa khoa chưa có Giấy phép môi trường, nguyên nhân do mục đích sử dụng đất không phải là đất y tế và giấy phép xây dựng không phù hợp. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, các phòng khám đa khoa, bệnh viện đã chính thức đi vào hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực thì trước ngày 01/01/2025 phải có Giấy phép môi trường mới được tiếp tục hoạt động. Sở Y tế đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án đảm bảo điều kiện hoạt động đối với các cơ sở y tế đã được xây dựng trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc này.

Đại diện cơ sở y tế trình bày tại Phiên giải trình
Về công tác đầu tư, nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh, bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, toàn tỉnh Bình Dương hiện có 961 chợ đang hoạt động. Các chợ đang được tổ chức quản lý theo hai hình thức: Chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách do UBND cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn quản lý (29 chợ, chiếm 30,2%) và có 67 chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý (67 chợ, chiếm 69,8%). Công tác XHH kêu gọi đầu tư nâng cấp các chợ hoặc chuyển từ chợ tạm thành chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và đất đai (thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất,...).
Dự kiến trong quý III/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về quản lý và phát triển chợ. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức hướng dẫn và thực thi Nghị định, đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển thương mại giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có danh mục các chợ ưu tiên đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn về xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà phát biểu tại Phiên giải trình
Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà cho rằng Bình Dương đã thực hiện khá tốt công tác XHH. Với đặc thù tỉnh công nghiệp, tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, việc thành lập các bệnh viện, phòng khám tư nhân, nhà trẻ ngoài công lập… đã góp phần giảm tải áp lực cho ngân sách trong đảm bảo an sinh xã hội. Ông đề nghị các ngành, các cấp vận dụng hiệu quả các quy định hiện hành, phân cấp trách nhiệm, kiến nghị các cơ chế đặc thù… về công tác XHH. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo gỡ vướng liên quan đến các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các chính sách nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả công tác XHH.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lộc kết luận Phiên giải trình
Kết luận Phiên giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lộc đánh giá cao công tác XHH các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Song trước những bất cập về quy hoạch mục đích sử dụng đất, Giấy phép môi trường đối với XHH y tế, cơ chế XHH hoạt động các chợ truyền thống, căn tin, nhà giữ xe, hồ bơi…, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương tham mưu xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, từng bước tháo gỡ khó khăn, "điểm nghẽn" XHH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, để người dân được hưởng lợi từ các tiện ích xã hội.