Tham dự có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành, địa phương.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương, 102 điều; tăng 02 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua.
Cụ thể, chính sách về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng.
Chính sách về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương.
Chính sách về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Góp ý tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng một số quy định trong dự thảo Luật còn khá chung chung. Do đó, các đại biểu góp ý cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, các đại biểu kiến nghị cần quy định các chính sách về ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; có chế độ chính sách đối với từng đối tượng thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh góp ý nội dung dự thảo Luật
Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn trong việc xã hội hóa, trong đó có quy định việc cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập (về tài chính, đất đai, thuế…). Bên cạnh đó, bà góp ý nên bổ sung quy định không thực hiện hồi tố đối với việc công nhận, xếp hạng di sản văn hóa khi quy định mới được ban hành.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý tại hội nghị. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật. Đối với các chế độ, chính sách lĩnh vực di sản văn hóa tại địa phương, đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp để trình tỉnh ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế.