Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) gồm 10 chương, 200 điều quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản TCTD; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật được kế thừa Luật Các TCTD hiện hành và có bổ sung 01 chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Luật Các TCTD được ban hành từ năm 2010, cho đến nay các luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Do đó, một số quy định tại Luật Các TCTD cần xem xét sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của các Luật liên quan.
Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; duy trì, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, qua đó kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các TCTD hiện đã phát sinh bất cập.

Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật, tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD; quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; quy định về cơ cấu lại các TCTD yếu kém; quy định quản lý, đóng, mở các tài khoản ngân hàng…
Một số ý kiến cho rằng, thứ tự ưu tiên thanh toán sau xử lý tài sản đảm bảo, tổ chức tín dụng phải kiểm toán lại báo cáo tài chính nếu kiểm toán độc lập có ý kiến ngoại trừ, quy định về phân loại nợ và sử dụng dự phòng xử lý rủi ro là ba vấn đề lớn khi sửa đổi Luật Các TCTD. Trong đó, vấn đề thu hút sự quan tâm nhất là xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Qua hơn 5 năm triển khai, các quy định Nghị quyết số 42/2017/QH14 nói chung và quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán nói riêng đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh vấn đề quyền và trách nhiệm của người vay phải được quy định rõ ràng, chính xác trong Luật các TCTD (sửa đổi). Trong đó, phải chi tiết trách nhiệm của người vay để tránh việc né tránh trách nhiệm và dễ xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng.


Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành và chất lượng hoạt động của TCTD; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD. Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài. Bà ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, chọn lựa những nội dung tiêu biểu trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị