Tham dự có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở ngành tỉnh.
Tính đến cuối năm 2022, toàn ngành Y tế có 10.400 nhân viên y tế, trong đó, hệ thống công lập có 3.718 người. Y tế công lập (phụ trách tất cả các nhiệm vụ từ quản lý, điều trị, dự phòng, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia…) chỉ chiếm tỷ lệ 35,75% tổng số nhân lực y tế, trong đó 826 bác sĩ y tế công lập/2.211 tổng số bác sĩ. Tuy nhiên, số giường bệnh được giao cho y tế công lập lại chiếm tỷ lệ gần 55% so với toàn ngành.
Hiện số giường bệnh kế hoạch đạt 5.172 giường (số giường kế hoạch/vạn dân là 20,3 giường), các tỷ lệ và chỉ tiêu này còn thấp so mục tiêu của Bộ Y tế đề ra năm 2020 là 9 bác sĩ và 25 giường bệnh/vạn dân và chưa đạt so với chỉ tiêu giao đầu năm 2022 của UBND tỉnh.
Nhân lực y tế công lập còn thiếu về số lượng ở cả 3 tuyến và tỷ lệ nhân lực chuyên khoa sâu còn thấp. Trình độ năng lực và chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở chưa đáp ứng kịp với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, dẫn đến tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên.

Toàn cảnh buổi giám sát
Trong thời gian vừa qua, ngành Y tế đã nỗ lực thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực là bác sĩ, nhân viên y tế; nâng cao chất lượng nhân lực; thực hiện hỗ trợ đầy đủ cho công chức, viên chức chuyên môn y tế công tác tại các cơ sở y tế công lập, bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Thành viên Đoàn giám sát góp ý tại buổi giám sát
Cụ thể, nguồn cung nhân lực bác sĩ từ chương trình đào tạo địa chỉ sử dụng tỉnh Bình Dương: Tổng số cử đi đào tạo 202 thí sinh (tốt nghiệp từ năm 2021, trung bình 30 bác sĩ/năm). Cử đào tạo sau đại học trúng tuyển thấp hàng năm trung bình 20-25 bác sĩ/ năm (năm 2021 chỉ trúng tuyển có 02 bác sĩ chuyên khoa II), không đạt yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Số lượng bác sĩ đăng ký tuyển dụng tăng theo từng năm (năm 2019: 43 bác sĩ, năm 2020: 47 bác sĩ và năm 2021: 106 bác sĩ). Sở Y tế đã tham mưu Đề án đảm bảo nguồn nhân lực ngành Y tế và nguồn nhân lực y tế chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời đang xây dựng dự thảo Đề án tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030.

Lãnh đạo Sở Y tế giải trình những nội dung Đoàn giám sát đặt ra
Tại buổi giám sát, lãnh đạo ngành Y tế đã đóng góp nội dung xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 05 về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh dự kiến thông qua vào kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2023 và giải trình cụ thể những nội dung các thành viên Đoàn giám sát đặt ra về: Khó khăn quy trình, thủ tục đấu thầu vật tư y tế; chế độ cử tuyển; thông tin về hỗ trợ phụ cấp hỗ trợ cho cán bộ y tế ấp; thông tin về tiến độ thực hiện Đề án xây dựng nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2021-2025; vướng mắc về cơ chế tự chủ. Đồng thời làm rõ lý do ngành Y tế khó thu hút được nguồn nhân lực như kế hoạch; đề xuất chính sách để giải quyết được điểm nghẽn; khó khăn trong hoạt động y tế ở tuyến huyện, tuyến xã; công tác tuyển sinh, tuyển dụng.

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng cho biết, việc giám sát nhằm tìm ra những khó khăn, bất cập để sửa đổi Nghị quyết số 05 về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh. Nghị quyết ra đời kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích về công tác thu hút đào tạo nguồn nhân lực cũng như sẽ giải quyết được vướng mắc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua chia sẻ của các đại biểu có thể thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Sau kỳ giám sát từ thực tiễn, các Đoàn giám sát sẽ có những kiến nghị, đề xuất cụ thể.