Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Theo dự thảo Kế hoạch, việc tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập nhằm bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, đạt chuẩn xóa mù chữ cấp tỉnh ở mức độ 2; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống; 70% các trường đại học trên địa bàn tỉnh triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các Trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động học tập…
Phấn đấu đến năm 2030, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ cấp tỉnh ở mức độ 2; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; 70% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống; 90% các trường đại học trên địa bàn tỉnh triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% các Trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động học tập…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Bình Dương ở nước ngoài, ở ngoài tỉnh tham gia đóng góp đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập…
Góp ý cho dự thảo Kế hoạch, các đại biểu đề nghị cần kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, phát huy hiệu quả các Trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhất là các địa phương có đông công nhân lao động; có cơ chế giám sát, đo lường chất lượng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch…

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp
Nhấn mạnh việc xây dựng các mục tiêu phải bám sát tình hình thực tế của tỉnh, ông Nguyễn Lộc Hà đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đề ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp để hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch. Thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố chú trọng khai thác hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với thực tế của địa phương mình.