Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Mai Hùng Dũng – Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo
các sở, ban, ngành, Liên minh HTX tỉnh.
KTTT phát triển về số lượng, chất
lượng và quy mô
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, sau 20 năm thực
hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, đã có 20.234 HTX thành lập mới, bình quân mỗi năm
thành lập 1.012 HTX. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, chất lượng mà hiệu quả
hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng đã được cải thiện, vượt qua những yếu
kém kéo dài trước đây. Năm 2020, doanh thu của các HTX đạt bình quân 2,44 tỷ
đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu
đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001.
Các loại hình HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (PNN) phát
triển, trong đó lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh. Tổ chức sản
xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và
từng bước hiện đại. HTX, tổ hợp tác (THT) lĩnh vực phi nông nghiệp thu hút số
lượng khá lớn hộ cá thể tham gia thành viên; tổ chức sản xuất, kinh doanh tập
trung, chú trọng đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị; cung ứng dịch
vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên, phù hợp với tiềm năng, lợi thế ngành
nghề truyền thống địa phương.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Số lượng HTX, liên hiệp HTX quy mô vừa và lớn, tham gia
xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với
chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với
điều kiện dịch Covid-19; mang lại hiệu quả thiết thực
cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây
dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề
và chất lượng cao. Từ đó, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động
trẻ; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao nhận thức của xã hội về
HTX kiểu mới.

Toàn cành hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX, 16 liên hiệp HTX,
44.226 THT, thu hút gần 03 triệu thành viên, vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản,
doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002; tỷ lệ HTX hoạt động
có hiệu quả đạt 55% - 80% và có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động
với HTX nông nghiệp.
So
với chung cả nước, tổng số HTX, số lượng thành viên và lao động của HTX phi
nông nghiệp thấp hơn (chiếm 30%), nhưng đạt tỷ lệ cao hơn trong vốn (58,5%),
tài sản (91,2%), doanh thu (67,1%), lợi nhuận (51,3%), thu nhập bình quân gấp
1,9 lần so với HTX nông nghiệp.
Riêng
tỉnh Bình Dương hiện có 204 HTX với 31.124 thành viên, vốn điều lệ gần 780 tỷ đồng;
trong đó, lĩnh vực vận tải có 57 HTX, nông nghiệp có 61 HTX, tiểu thủ công nghiệp
có 13 HTX, xây dựng có 11 HTX, thương mại - dịch vụ có 29 HTX, môi trường có 23
HTX và 10 quỹ tín dụng nhân dân. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình
hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, quỹ tín dụng gặp nhiều khó khăn do ảnh
hưởng của dịch Covid-19. Tổng doanh thu ước đạt 463 tỷ đồng, đạt 29,5% so với kế
hoạch năm 2021; thu nhập bình quân của người lao động từ 6 triệu - 6,5 triệu đồng/lao
động/tháng đối với HTX và 14,5 triệu đồng/lao động/tháng đối với quỹ tín dụng
nhân dân.

Các sản phẩm mây tre lá của Hợp tác xã Ba Nhất tại Bình Dương
KTTT tiếp tục giữ
vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX vẫn bộc lộ
những hạn chế, bất cập. Cụ thể, quá trình triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW còn
chậm; một số cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương còn lúng túng, thiếu các
biện pháp, giải pháp cụ thể, thậm chí chưa thực sự quan tâm đúng mức đến KTTT,
HTX. Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số HTX hoạt động có hiệu quả
còn thấp, thiếu tính bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông
nghiệp còn nhỏ bé. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có
khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông sản cho
thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới chỉ đạt khoảng 24% tổng số HTX.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông
Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, KTTT và HTX là thành phần quan trọng để phát triển
kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, đánh giá cao kết quả đạt được và ghi nhận các ý kiến phát biểu tham luận của các Bộ, ngành, địa phương. Để
tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát
triển kinh tế tập thể, HTX ở nước ta, trong thời gian tới sẽ tập trung sửa đổi,
bổ sung Luật HTX năm 2012 và coi là giải pháp mang tính đột phá để khắc phục
các hạn chế, tồn tại trên. Theo dự thảo của Liên minh HTX trình bày, sẽ có 12 nội
dung được đề xuất sửa đổi Luật và 6 giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật
HTX.

Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ông đề nghị các ngành, địa phương
tiếp tục xác định và đề cao vai trò của KTTT trong phát triển kinh tế- xã
hội của đất nước; đồng thời, tiếp tục thống nhất nhận thức về quan điểm phát
triển KTTT phải theo đúng bản chất là tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung
của các thành viên, phục vụ thành viên là chính và tách bạch với mô hình doanh
nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX, Liên hiệp HTX
lĩnh vực PNN; huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển
KTTT, HTX. Đặc biệt, HTX, liên hiệp HTX, THT phải giữ vai trò nòng cốt và thúc
đẩy phát triển KTTT, HTX làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần KTTT,
góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục
tiêu đến năm 2030, số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN tăng trưởng từ 10% - 16%/năm; cả nước có khoảng 250.000
THT, 26.000 HTX, 70 Liên hiệp HTX; thu hút 08 triệu thành viên và tạo việc làm
cho 5 triệu lao động thường xuyên. 60% số HTX, Liên hiệp HTX và 40% số THT
trong lĩnh vực PNN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản trị và sản
xuất kinh doanh; 50% số HTX, Liên hiệp HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá
trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Vốn điều lệ và tổng tài sản của các THT, HTX,
Liên hiệp HTX trong lĩnh vực PNN tăng bình quân 10% - 15%/năm…