Tham dự có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội, các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 là một luật có tính bao quát, toàn diện tích hợp nhiều ngành, lĩnh vực mà trước đây từng ngành, lĩnh vực có những quy hoạch riêng. Việc ban hành Luật Quy hoạch nhằm đưa công tác quy hoạch đi vào khuôn khổ pháp luật, thành một hệ thống đồng bộ, thống nhất, đảm bảo các nguyên tắc đề ra trong luật.
Mặc dù Luật Quy hoạch được ban hành khá sớm nhưng việc ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện là khá chậm so với Luật nên các Bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương khá lúng túng trong công tác triển khai lập quy hoạch tỉnh. Nội dung hướng dẫn về dự toán lập quy hoạch theo Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn.
Đại biểu thảo luận tại buổi giám sát
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và phê duyệt dự toán lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan lập quy hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Tỉnh đang khẩn trương tiến hành công tác lập quy hoạch, dự kiến quý IV năm 2022 sẽ trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, kiến nghị đề xuất đối với một số vấn đề còn vướng mắc trong công tác quy hoạch. Theo đánh giá của các đại biểu, Luật Quy hoạch mang tính tổng thể, bao quát đòi hỏi tính đồng bộ từ trên xuống, do đó để thực hiện hiệu quả phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Quá trình triển khai lập quy hoạch gặp rất nhiều vướng mắc chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, do đó các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có sổ tay hướng dẫn phương pháp lập quy hoạch, phương pháp tiếp cận để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời các đại biểu cũng cho rằng Luật Quy hoạch có tính bao quát, toàn diện tích hợp nhiều ngành, lĩnh vực do đó tỉnh cần tập hợp đội ngũ chuyên gia trong rất nhiều lĩnh vực, có những giải pháp đề xuất hỗ trợ tỉnh thực hiện hiệu quả; quy hoạch phải dựa trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, tránh quy hoạch chồng chéo, dàn trải, hình thức. Để đảm bảo tiến độ đề ra, đại biểu cho rằng cần có kế hoạch cụ thể, quy định có mốc thời gian, lộ trình từng giai đoạn; trình tự, thứ tự ưu tiên quy hoạch, tránh chồng chéo, cụ thể là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai có nhiều điểm mâu thuẫn, nếu thực hiện quy hoạch song song sẽ gây khó khăn trong việc tổng hợp, điều hành...
Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Qua ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Dành yêu cầu các thành viên UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ. Giao sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương, kiện toàn nội dung chương trình, kế hoạch thực hiện đảm bảo đúng tiến độ; đúng lộ trình đến quý IV năm 2022 phải thực hiện xong công tác quy hoạch. Đây là sở quan trọng triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều nhiệm kỳ.
Ông Phạm Trọng Nhân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận
Ông Phạm Trọng Nhân yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn chỉnh báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị gửi Đoàn giám sát để kiến nghị lên Ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để nắm thêm về tiến độ thực hiện lập quy hoạch.