Tâm huyết, trách nhiệm
Các vị ĐBQH tỉnh đều phát huy tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử trong thảo luận và quyết định các vấn đề về thể chế, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước gắn liền với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 320 lượt ý kiến trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và tranh luận tại các kỳ họp.
Tham gia thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Trọng Nhân đã có ý kiến phát biểu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri và truyền thông.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội
Đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn chứng, theo thống kê, mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông, việc phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay chưa hợp lý, một số sản phẩm có tới 03 đơn vị quản lý. Cụ thể, sản phẩm bún có 3 Bộ quản lý: Nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; sản phẩm do Bộ Công Thương quản lý; có chất độc, chất cấm thì trách nhiệm thuộc Bộ Y tế. Với thực trạng trên, ông Phạm Trọng Nhân cho rằng, mặc dù đã nhiều lần kêu gọi "sự tử tế" từ người sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhưng "cái bóng" quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên lý trí, dẫn đến hành động thiếu lương tri. "Phải xem việc sản xuất, kinh doanh "thực phẩm bẩn" là tội ác. Thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, không tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì không khác gì thỏa hiệp, bắt tay với cái ác, đáng bị lên án", ông Nhân nói.
Với vai trò Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh khi đó là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, khi tham gia ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại các kỳ họp Quốc hội đã dành nhiều tâm huyết cho các vấn đề mà người lao động quan tâm. Tiêu biểu như việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và việc tăng giờ làm thêm. Những ý kiến này của bà Trương Thị Bích Hạnh và các đại biểu khác đã được ghi nhận và Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi có hiệu lực đã nhận được sự đồng tình của người lao động.

Dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV là sự phản biện sâu sắc, chọn đúng vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Ảnh: Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội
Các ý kiến phát biểu của ĐBQH tỉnh luôn bám sát các quy định của Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, từ đó có những phân tích, nhận định, đánh giá toàn diện vấn đề, mang tính phản biện cao, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương. Qua đó kiến nghị các giải pháp phù hợp, đã nhận được sự chia sẻ, đồng tình của các vị ĐBQH, giới truyền thông và cử tri; đồng thời được cơ quan soạn thảo giải trình và tiếp thu nghiêm túc.
Có thể thấy, dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV là sự phản biện sắc bén, chọn đúng vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Hoạt động nổi bật và tích cực
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp ý kiến, giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý đất đai; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; phân bổ ngân sách Trung ương, đầu tư công; phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; thành lập chính quyền đô thị; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia...; xem xét miễn nhiệm và phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Tòa án Nhân dân tối cao.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia tốt các hoạt động bên lề diễn ra trong thời gian kỳ họp như các buổi hội thảo chuyên đề, sinh hoạt và hội nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc Hội, các Bộ, ngành Trung ương và các hoạt động ngoại giao của Quốc hội.
Bên cạnh các hoạt động theo quy định, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tích cực tuyên truyền để người dân nắm được nội dung của các luật mới ban hành, tránh nghe theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động.
Điển hình là năm 2018, lợi dụng việc Quốc hội đang thảo luận, xem xét dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, kích động để chống phá; thổi phồng một số vấn đề còn đang cần thảo luận, làm rõ, bổ sung, sửa đổi thành những nguy cơ, nhằm tạo ra các sự việc, những điểm nóng phức tạp. Với đặc thù là địa bàn có đông công nhân lao động, sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có chương trình tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là công nhân lao động về các vấn đề liên quan đến các dự thảo luật này. Qua 16 đợt tuyên truyền với hơn 4.500 người dự đã góp phần giúp người lao động hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, không nghe theo luận điệu xuyên tạc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh làm tốt vai trò cầu nối giữa địa phương với Trung ương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng
Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV, ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ, nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh. Chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnh ngày càng được nâng lên. Tinh thần đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, hiệu quả luôn được phát huy trong mọi hoạt động của Đoàn. Hình ảnh và vị thế của Đoàn ĐBQH tỉnh trong các hoạt động của Quốc hội được nâng lên rõ nét. Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh luôn gắn liền với thực tiễn của địa phương, làm tốt vai trò cầu nối giữa địa phương với Trung ương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.