Môi trường đầu tư đã tốt
Nhìn lại hành trình hơn 22 năm thu hút đầu tư, Bình Dương không những đã tạo được uy tín đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là địa điểm đầu tư lý tưởng. Tính đến cuối năm 2018, Bình Dương có trên 3.500 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ đô la Mỹ, trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 36.379 doanh nghiệp đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 296.989 tỷ đồng. Có nhiều yếu tố để Bình Dương trở thành "Điểm sáng" thu hút đầu tư trong suốt hai thập kỷ qua, nhưng không thể không nhắc đến phương châm "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư", xem việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đã biến Bình Dương từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với những đóng góp quan trọng của Bình Dương trong thu hút đầu tư thời gian qua, cũng như sự kỳ vọng to lớn đối với tỉnh trong thời gian tới, Bình Dương đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được chọn là đại diện phát biểu tham luận về sự thành công trong thu hút vốn FDI tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam diễn ra vào cuối năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trao Bằng khen cho tỉnh Bình Dương về những đóng góp trong 30 năm thu hút đầu tư. Ảnh. Báo Bình Dương
Tiếp nối thành quả
trên, ngay đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chọn Bình Dương là địa phương
tổ chức "Hội nghị tham vấn hoàn thiện thể chế, chính
sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới" dưới sự chủ trì của Phó Thủ
tướng Vương Đình Huệ. Tham luận tại hội nghị
về vai trò của vốn FDI trong việc phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô
thị thông minh tại Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh cho
biết, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải
pháp gắn với thực hiện Chương trình “Đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn
2016-2020”; thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự
án phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất công nghệ cao, công
nghiệp phụ trợ, ít gây ô nhiễm môi trường và khả năng đóng góp lớn cho ngân
sách. Ngoài ra, việc Bình Dương quyết tâm xây dựng TPTM cũng chính là quyết tâm
tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lý tưởng với kỳ vọng “làn sóng” đầu tư vào
tỉnh sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Hiện tỉnh Bình Dương đang khuyến
khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các khu công
nghiệp trên địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một
cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn. Đồng thời,
tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tập trung về phía Bắc của
tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài khu công nghiệp bảo đảm phục
vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh
nghiệp.
Đây là một bước tiến
mới, tạo điều kiện để Bình Dương tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội cũng như
tăng tốc thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn mới.
Tạo môi
trường đầu tư càng tốt hơn
"Lĩnh vực doanh
nghiệp" là một trong bốn lĩnh vực quan trọng của việc phát triển Đề án
TPTM Bình Dương, trong đó, Đề án chú trọng việc phát triển chuỗi cung ứng, tăng
cường kết nối mạng lưới doanh nghiệp, nâng tầm phương thức thu hút đầu tư cả về
chất và lượng, hướng đến doanh nghiệp công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Củng cố các doanh nghiệp
hiện hữu và xây dựng doanh nghiệp mới là mục tiêu chính của các chương trình,
dự án trong lĩnh vực "Doanh nghiệp" của Đề án TPTM Bình Dương. Hiện
nay, Bình Dương đang có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các khu công
nghiệp và công ty sản xuất.
Chia sẻ giải pháp đổi
mới môi trường đầu tư của Bình Dương, ông Peter Portheine – Giám đốc phát triển
Tập đoàn Brainport (Hà Lan), đơn vị đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc phát
triển TPTM cho rằng, bằng nhiều cách khác nhau, các chương trình hoạt động của tỉnh
cần thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh
doanh trong khu vực, trong nước và xa hơn nữa là quốc tế dễ dàng hơn như hỗ trợ
doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cần chú ý tới hoạt động
tạo mạng lưới và kết nối với các mạng lưới quốc tế của các TPTM, khoa học công
nghệ trên thế giới, nhất là các tổ chức Bình Dương đã tham gia như WTA, ICF, Horasis, cũng như hợp tác trong
chuỗi cung ứng, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia có nhiều hoạt động kinh
doanh tại khu vực, sử dụng các nhà cung cấp địa phương.

Nhà máy sản xuất hàng may mặc của Công ty Atago vừa khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Bàu Bàng
Ông
Nguyễn Thanh Trúc - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, tỉnh
đang phối hợp các bên nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống phần mềm quản lý
cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, là cơ sở nền tảng để giúp cho việc quản lý doanh
nghiệp từ nhà nước hiệu quả hơn, và trong tương lai có thể trở thành cơ sở dữ
liệu mở trong một số lĩnh vực cụ thể để giúp các
doanh nghiệp, tổ chức có thể kết nối, nghiên cứu, phân tích đầu tư. Đây cũng là
dự án được Ban Điều hành TPTM lựa chọn triển khai thực hiện và hoàn thành trong
năm 2019.
Bên cạnh đó, thực hiện
việc đổi mới thu hút đầu tư, các khu công nghiệp mới được hình thành trong tỉnh
đang hướng dần về công nghệ cao, xanh, sạch như Khu công nghiệp Việt Nam -
Singapore 2A; Tổng Công ty Becamex đang nghiên cứu triển khai Khu công nghiệp
Khoa học công nghệ (900 ha), gắn liền với cụm đại học và đô thị đại học, tạo
tiền đề quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào
công nghệ cao, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao. Hiện nay, một số đơn vị đang
phối hợp nghiên cứu triển khai nhà máy sản xuất bán dẫn (công đoạn Back-end),
là điểm nhấn trong khởi động ngành công nghiệp công nghệ cao của Bình Dương, dự kiến sẽ khởi công dự án trong
năm 2019.
Để thúc đẩy đổi mới sáng
tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các doanh
nghiệp mới, mở rộng kết nối các doanh nghiệp hiện hữu, giữa năm 2019, tỉnh sẽ đưa
vào hoạt động Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp.
Có thể nói, các chiến lược
đột phá của tỉnh, đổi mới thu hút đầu tư hướng tới TPTM bước đầu đã khẳng định
vị thế của Bình Dương trên trường quốc tế, mở ra giai đoạn mới với xu hướng
liên kết và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong và ngoài nước, tạo thuận lợi cho
các doanh nghiệp tiếp cận và vươn xa trong thời đại khoa học công nghệ, củng cố
niềm tin của các nhà đầu tư và góp phần cho công tác thu hút đầu tư nước ngoài
của tỉnh ngày một thuận lợi, hiệu quả hơn.
Kỳ cuối - Định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế