Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có đại diện Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Hội nghị đã tập huấn nghiệp vụ gồm 3 chuyên đề: Những điểm mới và nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện cơ chế MC, MCLT theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 61/2018/NĐ-CP; hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá việc giải quyết TTHC; hướng dẫn rà soát, đánh giá TTHC và quy trình xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu 6 vấn đề trọng tâm các Bộ, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2019. Đó là, cần quán triệt tốt tại các Bộ, ngành, địa phương về cải cách TTHC, tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; cần lấy nguyên tắc sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo cho hiệu quả của cán bộ thực thi công vụ và phải có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị. Đối với việc tổ chức bộ phận MC, MCLT, các Bộ, địa phương cần nghiên cứu mô hình tổ chức hợp lý; đặc biệt nghiên cứu bộ phận MC, MCLT thực hiện 4 tại chỗ, thay vì nhận trả kết quả thì phải có thẩm định, xét duyệt. Đây là vấn đề mới và khó vì vậy phải có phân cấp mạnh mẽ, tiến tới hiệu quả thực chất.

Bình Dương thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Về xây dựng vận hành dịch vụ công và hệ thống MC, MCLT, nguyên tắc mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử tiếp nhận TTHC. Quan trọng nhất nguyên tắc xây dựng dịch vụ công là tập trung vào những dịch vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu nhất, tránh việc công bố các thủ tục người dân, doanh nhiệp ít có nhu cầu. Bên cạnh đó, tất cả các Trung tâm hành chính công cần đánh giá bằng sự hài lòng hoặc không hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Ông Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các Bộ, địa phương rà soát TTHC, tăng cường phân cấp làm sao quy trình giải quyết TTHC gọn nhẹ, đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cải cách cũng như phục vụ cho quy trình cải cách, qua đó tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại và chuyên nghiệp.