Quy chế này áp dụng đối
với Hòa giải viên lao động do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm; cơ quan quản lý
nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương; UBND các cấp ở địa phương;
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và cá nhân có
liên quan.
Tiêu chuẩn của Hòa giải
viên lao động: Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức
khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm
hình sự hoặc đang chấp hành án; am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên
quan; có 3 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ
năng hòa giải tranh chấp lao động.
Trình tự và thủ tục bổ
nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định tại Điều
5 của Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ và Điều 3, Điều 5
và Điều 6 của Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Hòa giải viên lao động
được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải theo quy định; đề
xuất các ý kiến với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tổ chức thực hiện
công tác hòa giải tranh chấp lao động, chính sách pháp luật về hòa giải tranh
chấp lao động. Trong những ngày được cử để hòa giải tranh chấp lao động, Hòa giải
viên được hưởng chế độ bồi dưỡng tương đương chế độ bồi dưỡng như đối với Hội
thẩm theo quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên
họp giải quyết dân sự; được thanh toán công tác phí trong những ngày thực hiện
công tác hòa giải. Đồng thời, Hòa giải viên lao động phải thực hiện các nghĩa vụ:
Chấp hành sự phân công của cơ quan quản lý; tuân thủ đúng các quy định pháp luật;
thực hiện nhiệm vụ hòa giải vô tư, khách quan; không được từ chối nhiệm vụ hòa
giải khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp
đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng…
Ngoài ra, Quy chế này
cũng quy định trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động
tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.